Giáo dục

Năm học 2024 - 2025: Đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ninh Bình

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành Giáo dục Ninh Bình đạt 89,4% (tăng 0,4% so với năm học trước).

Trường Trung học cơ sở Thạch Bình (Nho Quan, Ninh Bình) có 95% học sinh là người dân tộc Mường được đầu tư khang trang đón năm học mới. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Còn hơn 1 tuần nữa là chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Đến thời điểm này, việc chuẩn bị cho năm học mới đã được các trường học tại Ninh Bình chuẩn bị chu đáo. Các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới.

* Đảm bảo cơ sở vật chất vùng đồng bào dân tộc

Với trên 95% học sinh là người Mường, vùng núi nhưng nhiều năm qua, Trường Trung học cơ sở Thạch Bình, huyện Nho Quan luôn là điểm sáng trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm 2022, được UBND huyện và UBND xã đầu tư 18 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp phòng học chức năng, nhà đa năng, khu hiệu bộ, sân trường…, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Năm học vừa qua, Trường Trung học cơ sở Thạch Bình đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3, tỷ lệ học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình đạt trên 99%.

Cô giáo Phạm Thị Phương Liên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thạch Bình chia sẻ, trước đây, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, khó khăn trong công tác dạy và học. Từ khi trường được quan tâm đầu tư sửa chữa, học sinh được học trong ngôi trường khang trang và tiếp cận đồ dùng, thiết bị hiện đại, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là sự khích lệ đối với giáo viên và học sinh của trường.

Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có 7 xã và 4 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Thời gian qua, huyện Nho Quan bố trí một phần kinh phí ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giáo dục cho các trường học. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số giúp thầy và trò các trường có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn. Đến nay, 100% trường học trong huyện đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó, trên 30% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế-xã hội ở huyện.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, năm học 2024-2025, ngành tích cực triển khai Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 và thực hiện lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, trong đó, chú trọng vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục các cấp học tại địa phương. Kinh phí cấp cho giáo dục và đào tạo năm 2024 chiếm 22,8% trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương (tăng 0,4% so với năm 2023); kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu dạy học, đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là trên 184 tỷ đồng.

Lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tại Trường Trung học cơ sở Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình). 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Chuẩn cho năm học mới 2024-2025, Sở chỉ đạo các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, tham mưu địa phương cải tạo sửa chữa, nâng cấp ngay trong dịp hè. Đến nay, toàn tỉnh không còn phòng học và các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh, giáo viên. Một số cơ sở giáo dục có phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nhẹ đang được các địa phương khẩn trương khắc phục đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 89,4% (tăng 0,4% so với năm học trước).

* Sẵn sàng bước vào năm học mới

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 5 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là năm đầu thực hiện chương trình đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 12 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngay từ đầu tháng 8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản-Thiết bị giáo dục tổ chức tập huấn cho giáo viên nội dung ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho hơn 1.500 giáo viên dạy lớp 12 ở tất cả môn học.

Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ, văn hóa công sở thời hội nhập, văn hóa ứng xử và nghệ thuật giao tiếp trong ngành Giáo dục và Đào tạo cho giáo viên...

Kiểm tra trang thiết bị dạy học tại Trường Trung học cơ sở Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình) chuẩn bị năm học mới. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Cô giáo Đinh Thị Tuyết, giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm, thành phố Tam Điệp cho biết, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số điểm mới quan trọng về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Giáo viên được tập huấn phân tích cấu trúc và đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thống nhất định hướng nội dung dạy học và ôn tập theo cấu trúc đề thi; hướng dẫn sử dụng hiệu quả các bộ tài liệu ôn thi. Đồng thời, trường được các giảng viên giới thiệu sự khác biệt trong đề thi giữa năm 2024 và năm 2025; định hướng mới trong giảng dạy và ôn tập theo hướng phát triển năng lực, tập trung nhiều hơn vào kỹ năng, năng lực học sinh cần đạt theo chuẩn đầu ra mà Chương trình đã nêu. Từ buổi tập huấn, giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch dạy học và ôn thi cho học sinh lớp 12 hiệu quả.

Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá, trong năm học vừa qua, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đồng thời đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi; tiếp tục thực hiện theo lộ trình, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi đầu tiên đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện sắp xếp các cơ sở giáo dục đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế theo hướng tinh gọn.

Cấp ủy, chính quyền, sở, ngành liên quan tham mưu và tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, đầu tư thiết bị giáo dục theo quy chuẩn. Đặc biệt quan tâm đúng mức vấn đề dinh dưỡng học đường, kiểm soát an toàn thực phẩm trường học; phối hợp linh hoạt, phát huy hiệu quả các mô hình giáo dục.../.

Lê Thị Hải Yến

Xem thêm