Giáo dục

Thúc đẩy hợp tác đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao

TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam đang trở thành nhân tố quan trọng trong xây dựng chuỗi cung ứng các lĩnh vực công nghệ cao, nên việc chuẩn bị nhân lực chất lượng cần được chú trọng.

Quang cảnh chương trình.
Ảnh: Lý Thu Hoài - TTXVN

Ngày 27/8, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Thành phố tổ chức chương trình “Đối thoại giữa đại học và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao”.

Theo nhiều đại biểu, Việt Nam đang trở thành nhân tố quan trọng trong xây dựng chuỗi cung ứng các lĩnh vực công nghệ cao, tuy nhiên, cần nâng cao vai trò, sự tham gia của mình trong chuỗi cung ứng này, thay vì chỉ tham gia ở khâu lắp ráp, đóng gói, kiểm thử truyền thống như hiện nay. Muốn như vậy, việc chuẩn bị nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ cao cần được chú trọng, đó phải là nguồn nhân lực đa dạng, bao trùm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.
Ảnh: Lý Thu Hoài - TTXVN

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng, chủ yếu tham gia vào khâu sản xuất trung gian với giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu lĩnh vực điện và điện tử. Ứng dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam đang tụt hậu, ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu. Một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đó chính là nhân lực. Nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ. Trong khi đó, để nâng cao chuỗi giá trị các ngành công nghiệp công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ đại học, kỹ năng chuyên sâu, được đào tạo trong các lĩnh vực STEM.

Đại biểu trao đổi tại chương trình.
Ảnh: Lý Thu Hoài - TTXVN

Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới (World Bank) nhấn mạnh ba ưu tiên lớn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Đó là xây dựng nguồn cung mạnh các nhà khoa học và kỹ sư trình độ cao; cải thiện đào tạo cho kỹ thuật viên tay nghề cao; mở rộng nguồn cung giải quyết những vấn đề về chi phí. Việc phát triển nguồn nhân lực cần được dẫn dắt bởi nhu cầu của doanh nghiệp, bên cạnh kiến thức chuyên môn, hoạt động đào tạo cần tập trung vào kỹ năng.

Chia sẻ tại chương trình, đại diện các doanh nghiệp công nghệ nhận định, nhân lực trẻ của Việt Nam có nhiều phẩm chất, ưu thế như, thông minh, ham học hỏi, chăm chỉ…Tuy nhiên còn hạn chế về kỹ năng mềm, đặc biệt về ngôn ngữ, nghiên cứu, giải quyết vấn đề…

Để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực công nghệ cao cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp tăng cường cung cấp chương trình thực tập sinh để sinh viên có cơ hội rèn luyện, tiếp cận thực tế. Về phía trường đại học, bên cạnh cập nhật nội dung chương trình đào tạo mới, cần có hoạt động củng cố kỹ năng mềm cũng như nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.

Đại biểu trao đổi tại chương trình.
Ảnh: Lý Thu Hoài - TTXVN

Trường học có thể phối hợp với doanh nghiệp để đưa các dự án của doanh nghiệp vào giảng dạy. Điều này tạo cơ hội cho sinh viên rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề thuần túy về học thuật và gắn vấn đề đó với nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp đặt ra. Ví dụ như sinh viên có thể đưa ra giải pháp về giá thành sản phẩm, sản phẩm đó có thể áp dụng sản xuất quy mô lớn hay không…

Nói về hợp tác doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, các trường đại học đánh giá đó là mối quan hệ hợp tác hai chiều, đôi bên cùng có lợi. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để trường đại học gia tăng nguồn lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển. Trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định hợp tác với doanh nghiệp là đòn bẩy để cải tiến chương trình, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng thời là điểm tựa để các nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển của thực tiễn. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định ba mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu gồm: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học và Trí tuệ nhân tạo./.

Lý Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm