An sinh

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách

Ninh Bình

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư Pháp tỉnh Ninh Bình đã thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách, người yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động tư vấn pháp lý cho người dân ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình. 

(TTXVN) Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình thuộc Sở Tư Pháp tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách, người yếu thế. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, Trung tâm đã xây dựng các chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; tổ chức các điểm truyền thông về trợ giúp pháp lý. Từ khi thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay, Trung tâm đã trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho 42 người khuyết tật và số người được tư vấn là 102 người.

Anh Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình cho biết, người khuyết tật có khó khăn về tài chính là đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Khoản 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Nếu đối tượng có yêu cầu gửi thông tin đến Trung tâm hoặc nếu có vướng mắc về pháp luật mà các cơ quan tiến hành tố tụng gửi thông tin đến Trung tâm thì Trung tâm sẽ căn cứ yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc công dân để xác định vụ việc, cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng hoặc tư vấn pháp luật cho đối tượng. Nếu người khuyết tật có khó khăn về tài chính không đi lại được, Trung tâm sẽ cử trợ giúp viên đến tận nơi.

Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật tỉnh Ninh Bình khẳng định, việc hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng. Khi được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý, được tuyên truyền về chế độ, chính sách, người khuyết tật sẽ được nâng cao nhận thức về luật pháp.

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. 

Các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế còn được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo đương sự tại các phiên tòa. Sự tham gia bào chữa của các trợ giúp viên tại phiên tòa không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người già neo đơn, các đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ được hưởng những lợi ích từ dịch vụ pháp lý mà còn góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng được trợ giúp.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Yên Mô nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình và tòa án các cấp được thực hiện rất chặt chẽ. Trong quá trình giải quyết, tòa án luôn tạo điều kiện để các trợ giúp viên pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ, bảo vệ các đối tượng tham gia tại phiên tòa. Nhiều bài bào chữa của trợ giúp viên có chất lượng cao, làm rõ được tình tiết, được Hội đồng xét xử lưu ý trong bản án và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cũng được đẩy mạnh. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực hơn trong công tác phối hợp để nhận diện người thuộc diện trợ giúp pháp lý, giải thích, hướng dẫn thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội và người tham gia tố tụng khác.

Thượng tá Trần Anh Cường, Phó Trưởng Công an huyện Kim Sơn cho rằng, đối với những người dân không có điều kiện tiếp cận với pháp luật hoặc thuê luật sư, việc trợ giúp pháp lý giúp họ đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật. Những vụ việc, vụ án, tin báo tố giác tội phạm khi có trợ giúp pháp lý tham gia đều đảm bảo đúng quy trình, thủ tục pháp luật; khi chuyển qua giai đoạn truy tố xét xử cũng đảm bảo yêu cầu.

Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, phối hợp, triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân. Người dân khi có yêu cầu luôn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí như: Đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Qua 5 năm triển khai, đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 1.377 vụ việc; trong đó tư vấn 796 vụ việc, tham gia tố tụng 557 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 24 vụ việc; thực hiện tư vấn miễn phí cho 796 trường hợp, tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 517 trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho 15 trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Huê, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ, gia đình bà “vướng” vào một vụ tranh chấp chia di sản thừa kế. Sau khi nhận được đơn đề nghị của gia đình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình đã cử cán bộ về trợ giúp. Các tư vấn viên của Trung tâm giúp đỡ gia đình rất nhiệt tình, trợ giúp pháp lý hiệu quả.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình, Sở Tư pháp cho biết, Trung tâm tiến hành truyền thông đối với hệ thống trợ giúp pháp lý ở cơ sở trong đó có cán bộ tư pháp cấp xã, phường, công an xã và đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để người dân, người được trợ giúp pháp lý biết được hoạt động trợ giúp pháp lý và được sử dụng hoạt động này miễn phí.

Thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật và tuyên truyền về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức đa dạng; chú trọng giải quyết hiệu quả các vụ việc trợ giúp nhất là các vụ việc tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan có liên quan và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ tiếp công dân để họ là cầu nối giữa người được trợ giúp pháp lý với Trung tâm nhằm đảm bảo người được trợ giúp pháp lý được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu./.

Hải Yến – Thùy Dung

Xem thêm