Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – Mốc son lịch sử” tại cơ sở 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, từ nay đến hết ngày 5/9.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024), Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – Mốc son lịch sử” tại cơ sở 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, từ nay đến hết ngày 5/9.
Đây là hoạt động văn hóa góp phần tuyên truyền lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc tới mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm hướng tới cùng nhau đoàn kết, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo đó, Thư viện Hà Nội trưng bày giới thiệu hơn 300 tư liệu, được tuyển chọn theo các nội dung: Đảng lãnh đạo và tổ chức các cuộc đấu tranh cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền; Cách mạng Tháng Tám – Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc; Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Từ Cách mạng Tháng Tám đến công cuộc đổi mới đất nước.
Ở nội dung “Đảng lãnh đạo và tổ chức các cuộc đấu tranh cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền” giới thiệu các tư liệu về đường lối chỉ đạo của Đảng; vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cách mạng thời kỳ 1930 – 1945; quá trình đấu tranh giành chính quyền đầy gian lao, thử thách của Nhân dân ta qua các cao trào cách mạng; các cuộc khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo diễn ra trước và trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu như các tư liệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm (1930 – 2020) – Những chặng đường lịch sử vẻ vang”, “Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc”, “Các cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo 1930 – 1945”, “90 năm Xô Viết - Nghệ Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử 1930 - 2020”, “Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 – Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, “Những cội nguồn của Cách mạng Tháng Tám”…
Nội dung “Cách mạng Tháng Tám – Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc” giới thiệu các tư liệu phản ánh diễn biến, không khí hào hùng, sục sôi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên khắp cả ba miền đất nước; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, chấm dứt chế độ thực dân – phong kiến tồn tại lâu dài trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Các tư liệu được giới thiệu như: “Cách mạng Tháng Tám – Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn tháng 8 - 1945”, “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội”, “Nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang trong Cách mạng Tháng Tám”, “Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển”, “Thế hệ thanh niên Hà Nội chúng tôi ngày ấy”…
Nội dung “Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” giới thiệu về sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không khí phấn khởi và ký ức của những người dân trong ngày 2/9/1945. Trong đó có các tư liệu: “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, “Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập”, “Bản Tuyên ngôn độc lập thời đại Hồ Chí Minh”, “Giá trị lý luận và ý nghĩa thời đại”, “2/9/1945 qua những trang hồi ức”…
Nội dung “Từ Cách mạng Tháng Tám đến công cuộc đổi mới đất nước” giới thiệu các tài liệu về đường lối chỉ đạo của Đảng trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong 79 năm qua; những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và Thủ đô sau gần 40 năm đổi mới. Với các tư liệu: “Bản lĩnh Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, “Cương lĩnh và chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay”, “Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước”, “Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế”, “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”…/.