Lực lượng Kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền địa phương… tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét, xử lý nghiêm nạn săn bắn, bẫy bắt chim hoang dã.
Tại huyện ven biển Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, vào mùa mưa bão (từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm), nhiều loài chim hoang dã, chim di cư theo mùa bay về trú ngụ, kiếm ăn, kéo theo nạn săn bắt, bẫy chim kiểu “tận diệt” của người dân. Nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã, ngành Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đoàn thể địa phương… tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét, xử lý nghiêm nạn săn bắn, bẫy bắt chim hoang dã.
Ông Trần Ngọc Quyền, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Diễn Châu cho biết, Hạt đã chỉ đạo kiểm lâm phụ trách các địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, lâm nghiệp xã... tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã; tổ chức ký cam kết không mua, bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy bắt, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim di cư trái phép trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm của Hạt cũng tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức lực lượng kiểm tra tại các chợ, nhà hàng, cánh đồng, hồ đập, dọc tuyến đê biển... ngăn chặn tình trạng săn, bắn, bẫy bắt, mua, bản, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim hoang dã, chim di cư; tuyên truyền người dân chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng mở các đợt ra quân truy quét nạn săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư ở nhiều địa phương như Diễn Trung, Diễn Phú, Diễn Kim, Diễn Thái, Diễn Nguyên, Diễn Hùng… Kết quả, nhiều điểm nóng, khu vực trọng điểm về nạn đặt cò giả, cắm nhựa dính, dùng chim mồi, giăng lưới tàng hình, dùng loa phát âm thanh giả tiếng chim để bẫy bắt chim tại các vùng ven biển, đồng ruộng, khu vực hồ đầm, bãi nổi, cửa sông, cửa lạch, vùng bán sơn địa đã được “xóa sổ”. Qua đó đã “giải cứu” và thả về môi trường tự nhiên gần 300 cá thể vạc, cò, diệc, én; tiêu hủy tại chỗ hơn 10.000 m2 lưới bẫy “tàng hình”, thu gom và tiêu hủy gần 1.300 con cò giả tạo tác bằng xốp, 3kg nhựa dính, gần 2.000 que nhựa dính, hơn 900 cọc giăng lưới; thu giữ gần 10 bình ắc quy, đầu phát âm thanh giả tiếng chim; phá bỏ nhiều lều, lán, chòi đánh bắt, bẫy chim...
Xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu) có gần 3km giáp biển, trên địa bàn có nhiều diện tích ao, đầm nuôi tôm, rừng sú vẹt, luồng lạch nhỏ, nhiều diện tích rừng thông, rừng phi lao ven biển Cửa Hiền rất thuận lợi cho các loài chim di cư theo mùa về trú ngụ, tìm kiếm thức ăn.
Ông Hồ Công Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Trung cho biết, xã đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát với hơn 30 thành viên thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi săn, bắt, bẫy, mua bán, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, chế biến, tàng trữ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn. Đoàn tăng cường kiểm tra tại các chợ dân sinh, nhà hàng, quán ăn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loại chim hoang dã.
Theo ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, UBND huyện đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương, ngành Kiểm lâm, lực lượng chức năng ký cam kết với các nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn không mua, bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy bắt, giết mổ, kinh doanh trái phép các loài chim hoang dã, chim di cư. Ngành chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; tổ chức lực lượng ra quân kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy các dụng cụ chuyên dụng để bẫy, bắt các loài chim di cư, chim hoang dã. Lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi gây hại đến các loài chim di cư trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng săn bắn, bẫy, bắt, mua, bán, giết mổ các loài chim hoang dã, di cư./.