Một khó khăn của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ; có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm - cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện.
TTXVN - Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các cơ sở đào tạo. Hơn 200 ý kiến đã được gửi tới Bộ trưởng về nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay đối với giáo dục đại học như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
* Cần hiểu đúng về tự chủ đại học
Đưa ra những kiến nghị về vấn đề tự chủ đại học trong các nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc tự chủ trong đại học hiện nay, xã hội vẫn hiểu là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ tự chủ là nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động. Đây là vấn đề cần được truyền thông để xã hội rõ, nhấn mạnh tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường.
Các trường được chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học được có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học. Tự chủ trong các trường đại học tạo điều kiện để các trường được chủ động mời các chuyên gia quốc tế, tăng cường các hoạt đội đối ngoại để nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam. Các trường tự chủ hướng đến chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế.
Nêu vấn đề về sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Huyền đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng và các cơ quan liên quan có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.
Đánh giá Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã tạo điều kiện, cơ hội, khả năng sáng tạo cho các giảng viên, các trường đại học nhưng Phó Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Danh Nam (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, Luật chưa khai phóng được hết tiềm năng của giảng viên. Do vậy, cần tạo môi trường tự do học thuật trong các trường đại học thông qua cơ chế của nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ đại học. Đồng thời, cần có kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là với các giảng viên trẻ.
Thầy Mai Đình Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nói chung, các trường cao đẳng sư phạm nói riêng. Trên cơ sở đó, các địa phương làm căn cứ để định hướng phát triển cho các trường, có chính sách đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Cùng với đó, thầy Mai Đình Nam cho rằng, đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường Cao đẳng Sư phạm được đào tạo rất cơ bản, nhiều bậc học khác nhau, đa dạng chuyên ngành và đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, hiện các trường Cao đẳng Sư phạm chỉ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Mầm non. Vì vậy, nhà trường mong muốn Bộ có những giải pháp để hỗ trợ cán bộ, giảng viên bằng việc tạo cơ chế để các trường Cao đẳng Sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở tại địa phương.
Đại diện cho khối các trường ngoài công lập, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa mong muốn có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường công lập và ngoài công lập, trường ngoài công lập được tiếp cận với quỹ đất xây dựng, được ưu đãi về chính sách thuế.
Bên cạnh đó, giảng viên trường ngoài công lập, có nhiều người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có nhiều đóng góp trong đổi mới sáng tạo. Vì vậy, các giảng viên mong trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cho phép giảng viên các trường ngoài công lập được phép tham gia đấu thầu các đề tài của Bộ. Đồng thời, mong muốn có chính sách động viên các nhà giáo; các giảng viên tham gia giảng dạy từ đầu ở trường ngoài công lập có đủ điều kiện tham gia được xét công nhận các danh hiệu danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Tiến sĩ Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang chia sẻ về thực trạng đời sống, thu nhập của viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục đại học hiện nay, áp lực nhiều nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính như: bán hàng online, bất động sản…
*Tháo gỡ dần những điểm nghẽn
Trao đổi ý kiến liên quan đến nghiên cứu khoa học, các giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đây là vấn đề quan trọng với hệ thống giáo dục đại học. Trong quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi phí cho nghiên cứu khoa học, theo Bộ trưởng, chi phí từ Nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn. Cùng chi phí từ Nhà nước, còn nhiều nguồn: nguồn thu từ tự chủ của trường đại học, bằng đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương. Do đó, nhà trường phải hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng có một điểm nghẽn, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Với vấn đề này, hệ thống chính sách còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham gia vào việc này nhiều hơn để giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên.
Với vấn đề lớn là tự chủ đại học, theo Bộ trưởng, Việt Nam đã thực hiện hơn 30 năm với khởi đầu là sự ra đời của hai Đại học Quốc gia. Hiện nay, nhiều trường đại học đã tự chủ rất cao. Triển khai tự chủ đại học, một điểm vướng và khó hay được nhắc đến là thể chế. Chúng ta đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật, quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ. Nhưng trên thực tế, vẫn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học rất khó thực hiện một cách đầy đủ. Điều này cần có quá trình điều chỉnh.
Một khó khăn khác của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ; có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm - cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi: Vấn đề tự chủ học thuật và vai trò của giảng viên đóng vai trò quan trọng trong tự chủ đại học. Điều quan trọng nhất của tự chủ là làm sao đến được các nhà khoa học, các giảng viên. Tự chủ không chỉ dừng lại ở cấp quản lý cơ sở giáo dục hay việc ban hành các quy chế. Điều quan trọng là quyền, trách nhiệm phải tới với các đơn vị thành tố bên trong của trường đại học; từ khoa cho tới các bộ môn, giảng viên.
Các nhà khoa học phải được tham gia vào quá trình xây dựng những chiến lược hoạt động ở mỗi nhà trường. Các trường phải ban hành quy chế, nội bộ của cơ sở giáo dục. Từ đó, các nhà khoa học và giảng viên tham gia xây dựng sẽ phát huy được quyền tự chủ của mình. Để có môi trường học thuật lành mạnh, tự chủ, chính các giảng viên của nhà trường cần tự tạo ra môi trường cho chính mình, chứ không phải trông ngóng ở các lực lượng khác.
Về vấn đề quy hoạch mạng lưới, đây là nhiệm vụ rất lớn và rất khó. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiến hành quyết liệt vì liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Những kết quả bước đầu đang hoàn thiện phương án quy hoạch. Trong đó có cơ cấu của các đại học vùng, các đại học sư phạm trọng điểm, mật độ đào tạo cho từng khu vực sẽ sớm được xem xét.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, hệ thống các trường Cao đẳng Sư phạm đang khó khăn vì chỉ đào tạo hệ sư phạm Mầm non nên chưa phát huy được hết năng lực. Do đó, cần sắp xếp lại theo hướng, một số trường sẽ sáp nhập vào các trường đại học có đào tạo về khoa học cơ bản.
Về cơ sở vật chất, hiện nay, các trường đại học công và tư đa phần còn khá nghèo nàn. Hệ thống phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được ở góc độ đỉnh cao theo tầm quốc tế. Do đó, theo Bộ trưởng, cần có một chương trình quốc gia về hạ tầng hiện đại cho các trường đại học.
Công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường đại học. Hiện, Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ- để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động./.