Việc kiện toàn bộ máy và chức danh lãnh đạo của HĐND và UBND của đơn vị hành chính cấp xã mới được thực hiện tại kỳ họp của HĐND cấp xã vào ngày 1/9/2024.
Ngày 9/8, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã mở rộng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15; đảm bảo các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp đi vào hoạt động ngay từ ngày 1/9/2024.
Các cấp, các ngành cần tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, sáp nhập để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; tổ chức thực hiện chặt chẽ việc bàn giao về tài sản, tài chính, tài liệu, tổ chức bộ máy đảm bảo theo quy định; hoàn thiện các điều kiện để bộ máy của đơn vị hành chính mới thành lập sau khi sắp xếp đi vào hoạt động theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Cùng với đó cần phải xác định nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả; xác định nội dung công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương; tăng cường vai trò người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và công tác cán bộ đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp cụ thể như sau: Thành lập Đảng bộ thành phố Nam Định mới trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ thành phố Nam Định và Đảng bộ huyện Mỹ Lộc trước khi sắp xếp. HĐND thành phố Nam Định mới được thành lập trên cơ sở hợp thành đại biểu HĐND đương nhiệm của HĐND thành phố Nam Định và HĐND huyện Mỹ Lộc trước thời điểm sắp xếp; nhiệm kỳ HĐND thành phố Nam Định mới cùng với nhiệm kỳ của HĐND thành phố Nam Định trước thời điểm sắp xếp. Lãnh đạo UBND thành phố Nam Định mới gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch; các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố Nam Định mới thực hiện sáp nhập các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính có chức năng nhiệm vụ tương đồng.
Việc tổ chức sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp được thực hiện tương ứng theo quy định. Đối với đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp mà có thay đổi loại hình theo đơn vị hành chính (từ xã lên phường hoặc thị trấn) và các đơn vị hành chính có thay đổi tên gọi thì khóa của HĐND được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập; Chủ tịch UBND được kiện toàn tại kỳ họp thứ nhất của HĐND phải là đại biểu HĐND cấp đó. Việc kiện toàn bộ máy và chức danh lãnh đạo của HĐND và UBND của đơn vị hành chính cấp xã mới được thực hiện tại kỳ họp của HĐND cấp xã vào ngày 1/9/2024.
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (trừ Liên đoàn Lao động) thực hiện tương ứng theo quy định. Giữ ổn định tổ chức và hoạt động của các thôn (xóm), tổ dân phố như hiện nay; trường hợp sau sắp xếp đơn vị thôn (xóm), tổ dân phố… trong đơn vị hành chính mới trùng tên thì thực hiện trình tự đổi tên theo quy định.
Tạm thời giữ nguyên hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập về giáo dục, y tế tại các đơn vị hành chính mới thành lập sau sắp xếp. Thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa – thông tin; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và các lĩnh vực sự nghiệp khác có tính chất tương đồng về chức năng và nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở xây dựng triển khai thực hiện các bước trong quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà đất, công trình và tài sản khác gắn liền với đất (kê khai báo cáo, tổng hợp phương án, kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà đất; lập phương án xử lý); hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hoàn thành trong 3 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực (hoàn thành xong trước ngày 1/9/2027).
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi sắp xếp đơn vị hành chính phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị và theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Lộ trình sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo từng năm để đến thời điểm ngày 1/9/2029, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra, cấp phó của các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải đảm bảo theo quy định.
Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và 1 thành phố); có 175 đơn vị hành chính cấp xã gồm 146 xã, 14 phường, 15 thị trấn; qua đó giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 xã, 8 phường, 1 thị trấn)./.