Sắp xếp đơn vị hành chính tại Nam Định: Hệ thống chính trị quyết liệt, nhân dân đồng thuận
Cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính.
Tỉnh Nam Định có số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp, sáp nhập lớn, đứng thứ 6 toàn quốc với 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 77 đơn vị hành chính cấp xã phường, thị trấn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người nhân dân.
Tại phiên họp ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định.
* Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng khẳng định: Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho việc triển khai được thuận lợi.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định được cử tri đồng thuận cao từ chủ trương, phương án sắp xếp đến tên gọi của đơn vị mới. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã góp phần mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Nam Định nói chung và thành phố Nam Định nói riêng, tạo động lực thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh và bền vững…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Quá trình thực hiện Đề án, tỉnh Nam Định luôn quan tâm đến phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức; phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phương án xử lý trụ sở, tài sản công ở cấp huyện, cấp xã và những vấn đề khác liên quan.
Theo Đề án xây dựng, trình Trung ương, tỉnh Nam Định có 2 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; có 77 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp gồm 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn. Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và thành phố Nam Định); có 175 đơn vị hành chính cấp xã gồm 146 xã, 14 phường, 15 thị trấn; qua đó giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 xã, 8 phường, 1 thị trấn).
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và việc khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2023) tất cả UBND các huyện, thành phố đã hoàn thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo thời gian theo kế hoạch và đã được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ đại biểu tán thành 100%.
Việc xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp, tỉnh Nam Định đã lên phương án với thành phố Nam Định sau khi mở rộng. Trụ sở tổ chức Đảng, UBND và HĐND, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố sau mở rộng dự kiến đặt tại các trụ sở hiện đang sử dụng; trụ sở các đơn vị sự nghiệp dự kiến giữ nguyên cơ sở hạ tầng hiện đang sử dụng để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh; việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân… Đối với trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.
Trụ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc 1 trụ sở cho Đảng ủy, HĐND và UBND cấp xã mới; 1 trụ sở cho Công an cấp xã mới; 1 trụ sở cho Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã mới; trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục và y tế) trên địa bàn cấp xã giữ nguyên như hiện trạng đang sử dụng; trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.
* Sự đồng thuận của nhân dân
Theo Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Nam Định Trần Văn Dương: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tổ chức lấy ý kiến theo quy định; mỗi địa phương căn cứ tình hình thực tế dân cư trên địa bàn có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri phù hợp. Kết quả lấy ý kiến cử tri về mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định với 99,73% tỷ lệ cử tri đồng ý và huyện Mỹ Lộc đạt 95,89%. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đa số tại các đơn vị thực hiện sắp xếp, cử tri đồng thuận với tỷ lệ cao, đạt từ 85% trở lên, trong đó có 5 đơn vị tỷ lệ cử tri nhất trí 100%.
Với số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau khi huyện Mỹ Lộc sáp nhập vào thành phố Nam Định theo Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư phải xử lý là 24 người. Do vậy tỉnh đã lên phương án điều chỉnh nội bộ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sau khi thực hiện sáp nhập. Số công chức dôi dư còn lại tiếp tục điều động dần về các cơ quan cùng ngành của tỉnh theo số biến động giảm (do nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, chuyển công tác...) trong thời gian 5 năm.
Dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 543 người (cán bộ 327 người, công chức 216 người); số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 317 người. Phương án giải quyết là điều động sang các đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp trong nội bộ huyện; dần thay thế số cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu đến tháng 9/2029 (kết thúc 5 năm lộ trình sắp xếp) tại các đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện; điều động về các đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện và thực hiện tinh giản biên chế...
Về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính, ngày 09/12/2023 HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Theo đó, ngoài việc được hưởng chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ còn được hưởng chế độ của tỉnh, với mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ thì được hỗ trợ 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 30 tháng).
Đối với cán bộ, công chức cấp xã nghỉ sau 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ trước thì được hỗ trợ 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 12 tháng). Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì số tháng được hỗ trợ tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành thì được hỗ trợ 3 tháng phụ cấp hiện hưởng (không tính phụ cấp kiêm nhiệm) và tiếp tục được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế (nếu đang thực hiện) theo quy định cho đến hết ngày 31/12 của năm mà người đó được giải quyết cho nghỉ công tác.
Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Nam Định Trần Văn Dương cho biết: Năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025; sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Nam Định Trần Văn Dương việc sắp xếp các đơn vị hành chính vẫn còn những khó khăn do hầu hết các địa phương đều sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp xã thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới, nên số lượng cán bộ công chức dôi dư nhiều, khó khăn về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ. Việc dôi dư cán bộ, công chức ảnh hưởng đến kiện toàn, bố trí sắp xếp cán bộ khối đoàn thể ở cấp xã, nhất là chức danh Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn trụ sở trụ sở làm việc, trang thiết bị tại một số đơn vị sắp xếp, sáp nhập ban đầu chưa đáp ứng ngay được yêu cầu phục vụ công tác của cán bộ, công chức (số lượng cán bộ, công chức chuyển từ đơn vị hành chính sáp nhập sang đơn vị mới; nơi ở cách xa trụ sở làm việc; thiếu trang thiết bị và phòng làm việc), phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại đơn vị hành chính mới./.