Dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2024 có chiều hướng phục hồi, tạo ra đơn hàng mới nên nhiều công ty trên địa bàn An Giang đang có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động ở các lĩnh vực.
Dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2024 có chiều hướng phục hồi, tạo ra đơn hàng mới cho doanh nghiệp nên nhiều công ty trên địa bàn An Giang đang có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động ở các lĩnh vực.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, toàn tỉnh có 419 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, số lượng trên 13.260 lao động. Nhóm ngành tuyển dụng nhiều lao động như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng… Trong đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật với số lượng lớn, gần 12.500 người.
Các doanh nghiệp trên địa bàn An Giang có nhu cầu tuyển lao động số lượng lớn như: Công ty Cổ phần TBS An Giang cần tuyển 1.800 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Universal Apparel cần tuyển 1.200 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Giang Samho cần tuyển 700 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn may xuất nhập khẩu Đức Thành cần tuyển 350 lao động…
Thoại Sơn là một trong những địa phương có lực lượng lao động khá lớn, với trên 106.000 người. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn cho biết, trước đây, lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở ngoài huyện, ngoài tỉnh chiếm trên 40%. Nguyên nhân do địa phương chủ yếu là kinh tế nông thôn nên sau khi thu hoạch mùa màng, nhiều lao động không có việc làm, một số hộ không có đất sản xuất nên phải đi tìm việc ở các đô thị và khu vực tập trung khu công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện, nhiều công ty sản xuất giày da, thủy sản, nông nghiệp lớn được thành lập như: Công ty Cổ phần TBS, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ, Công ty lương thực Thoại Sơn... thu hút trên 10.000 lao động địa phương vào làm việc. Từ đó, người lao động trở về làm việc tại địa phương tăng lên, số lao động đi làm việc ngoài huyện, ngoài tỉnh giảm còn 20%, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết thêm.
Để hỗ trợ người lao động tìm được việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang cho biết, ngành theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành tiếp tục chỉ đạo kết nối thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp các địa phương tổ chức điểm, cụm, phiên giao dịch việc làm…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh khởi sắc, thu hút lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh vào làm việc. Tỉnh tổ chức 66 ngày hội việc làm tại 6 huyện, thị xã, thành phố như: Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân, Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tuyển dụng, thu hút gần 11.700 lao động tham gia. Tại ngày hội việc làm, các doanh nghiệp đã tuyển dụng trên 5.000 lao động vào làm việc.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, An Giang đưa 487 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, 5 địa phương có lao động đi làm việc ở nước ngoài cao như: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn. Dự kiến đến cuối năm 2024, An Giang đưa thêm khoảng 213 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.
- Từ khóa:
- An Giang
- doanh nghiệp
- tuyển dụng
- lao động