Những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh đã quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng nhằm tri ân công lao và sự hy sinh to lớn của các mẹ vì nền hòa bình của đất nước.
Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tại Thừa Thiên - Huế có hàng ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh đã quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng nhằm tri ân công lao và sự hy sinh to lớn của các mẹ vì nền hòa bình của đất nước.
Những người mẹ anh hùng
Những ngày tháng 7, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuyết ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy liên tục đón các đoàn khách đến thăm hỏi, động viên. Bước qua tuổi 95, ở cái tuổi "gần đất, xa trời" nhưng sức khỏe của mẹ vẫn còn tốt và minh mẫn. Mẹ có người con độc nhất, tên anh là liệt sỹ Việt Nam Diện, hy sinh năm 1966. Từ đó, mẹ lặng lẽ gạt nước mắt, nén nỗi đau để tiếp tục sống, lao động và cống hiến cho quê hương.
Mẹ Tuyết chia sẻ, dẫu biết phải có người hy sinh đất nước mới độc lập nhưng đã biết bao đêm mẹ không thể tròn giấc vì nỗi nhớ thương con. Mẹ luôn tự hào về con của mình đã chiến đấu anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mong mỏi lớn nhất của mẹ là tìm được hài cốt của con để mẹ có thể an lòng những ngày cuối đời.
Ông Nguyễn Văn Lanh (57 tuổi, cháu rể đang sống cùng mẹ Tuyết) cho biết: Dù lớn tuổi nhưng sức khỏe của mẹ rất ổn định, ít đau ốm vặt, việc đi lại và vệ sinh cá nhân mẹ đều tự làm. Thời gian qua, bên cạnh việc hưởng trợ cấp hằng tháng, mẹ luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương, giúp mẹ có động lực hơn trong cuộc sống. Hiện Công ty Dệt May Huế đang nhận chăm sóc phụng dưỡng mẹ.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Văn Thị Men trú tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền đã tròn 101 tuổi. Mẹ có một người con duy nhất đã hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Bản thân mẹ cũng là người có công giúp đỡ cách mạng, thương binh, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1994 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nỗi đau thương vẫn còn đó, nhưng mẹ luôn nỗ lực sống vui, sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động để cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Những ngày này, nhà mẹ Men sum vầy và ấm cúng hơn khi các đoàn đến thăm hỏi, động viên; nhiều đoàn thanh niên quây quần trò chuyện và tổ chức chương trình “Bữa cơm cùng mẹ”.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có tổng số 2.473 mẹ vinh dự được Nhà nước vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhưng hiện nay chỉ có 22 mẹ còn sống, trong đó có 8 mẹ trên 100 tuổi. Mỗi mẹ đều có hoàn cảnh, cuộc đời riêng nhưng cùng chung lý tưởng một lòng vì đất nước, nén nỗi đau riêng cho sự trường tồn của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) Nguyễn Đức Anh cho biết, trên địa bàn phường có 520 liệt sỹ; hơn 1.500 gia đình có công cách mạng; 58 mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó chỉ còn mẹ Nguyễn Thị Tuyết. Thời gian qua, phường chú trọng thực hiện các chương trình đền ơn đáp nghĩa, tổ chức các hoạt động tri ân, phụng dưỡng, chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách đặc biệt là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên cạnh đó, các ban ngành phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức chương trình “Bữa cơm cùng mẹ”, khám chữa bệnh, hoạt động giáo dục truyền thống … để thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh đi trước, những hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ kiên cường để bảo vệ độc lập dân tộc.
Chăm sóc phụng dưỡng các mẹ suốt đời
Qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, đã có biết bao người vợ, người mẹ kiên cường, nuốt nước mắt tiễn chồng, con ra trận rồi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các mẹ, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn chú trọng đến công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; giúp đỡ, chăm sóc thương binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời... Đến nay, tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành nhận phụng dưỡng.
Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Đình Khoái, đơn vị hiện đang phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1928, trú tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc). Bên cạnh việc phụng dưỡng, các ngày lễ, Tết, đơn vị đều đến thăm hỏi, tặng quà mẹ; thường xuyên theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho mẹ mỗi khi ốm đau... Việc nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là việc làm ý nghĩa thể hiện sự tri ân đối với công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Hữu Phước cho biết, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, các địa phương, đơn vị duy trì và thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo đời sống các mẹ bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Kịp thời xác lập hồ sơ, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa; tổ chức khám, cấp thuốc tại nhà… Bên cạnh việc phụng dưỡng hằng tháng, thăm hỏi các ngày lễ, Tết, chính quyền địa phương nơi các mẹ sống thường xuyên quan tâm thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, sức khỏe, tâm tư nguyện vọng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động phục hồi và trao tặng gần 80 di ảnh liệt sỹ. Nhiều mẹ nhận được ảnh của chồng và các con được phục hồi một cách chân thực nhất từ những bức ảnh không còn nguyên vẹn, mờ nhòe theo thời gian mà không khỏi bồi hồi xúc động và trân quý. Đây là hoạt động rất ý nghĩa lần đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh giúp các liệt sỹ, chiến sỹ và người thân đoàn tụ theo một cách đặc biệt; đồng thời cũng là cách thể hiện sự tri ân của lớp trẻ với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Dù năm tháng có đi qua, nhưng sự hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn sống mãi trong lòng non sông, đất nước và trở thành những “tượng đài bất khuất” cho các thế hệ đời đời khắc ghi, tri ân và biết ơn sâu sắc./.