Ngày 11/7, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ngày 11/7, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, nội dung chất vấn liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025 và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm "nóng" nghị trường.
Nhiều vấn đề tồn đọng sau sắp xếp
Theo đề án giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nghệ An sắp xếp 92 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã và một đơn vị hành chính cấp huyện (từ 460 đơn vị hành chính cấp xã còn 412 đơn vị; 21 đơn vị hành chính cấp huyện còn 20 đơn vị). Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính là một vấn đề khó, tác động đến tâm lý người dân, cán bộ, đảng viên.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính gây ra xáo trộn, phải chuyển đổi giấy tờ... có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới.
Ngoài ra, khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính phải sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách; bố trí sắp xếp người đứng đầu; giải quyết dôi dư số lượng lớn cán bộ công chức (dự kiến cấp huyện 207 người, cấp xã 799 người)...
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hương, huyện Hưng Nguyên liên quan đến giải pháp giải quyết dôi dư cán bộ công chức sau sắp xếp, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, giai đoạn 2023-2025, Trung ương đã đưa các nội dung về sắp xếp bộ máy, tổ chức biên chế tương đối chi tiết cụ thể. Trên cơ sở quy định của Trung ương, của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp UBND các huyện, thành, thị có liên quan xây dựng phương án bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết dôi dư vào nội dung đề án. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Sở Nội vụ tiếp tục có hướng dẫn cụ thể chi tiết thực hiện.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng thông tin, ngành chủ động phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ ban hành văn bản chỉ đạo việc dừng tuyển dụng mới, bổ nhiệm chức vụ cao hơn đối với các đơn vị hành chính có liên quan đến sắp xếp ngay từ khi Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành. Đây là chủ trương kịp thời, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo điều kiện cho việc sắp xếp, giải quyết dôi dư. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí từ nguồn cán bộ công chức dôi dư trước khi tuyển dụng, bổ nhiệm mới.
Ngành thực hiện tiếp nhận cán bộ dôi dư sang đảm nhận các chức danh công chức và giải quyết dôi dư công chức trong thời gian 5 năm. Ngành tiến hành thuyên chuyển cán bộ, công chức từ đơn vị thực hiện sắp xếp (dôi dư) sang đơn vị không thực hiện sắp xếp còn thiếu trong và ngoài đơn vị cấp huyện; vận động nghỉ theo các chính sách của Trung ương (nghỉ không đủ tuổi tái cử theo Nghị 26/2015/NĐ-CP; nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP), nghỉ việc hưởng chế độ, chính sách của tỉnh.
Đồng thời xây dựng Nghị quyết hỗ trợ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tăng cường cải cách hành chính, thu hút đầu tư các dự án, phát triển cụm, khu công nghiệp để tăng nhu cầu lựa chọn việc làm cho cán bộ, công chức có nhu cầu chuyển đổi công việc...
Trả lời kết quả sắp xếp, xử lý nhà đất, nợ công xây dựng cơ bản sau sáp nhập mà đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt, huyện Quỳnh Lưu quan tâm, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết, tổng số cơ sở nhà đất trong giai đoạn 2019-2021 sau sắp xếp là 4.408 đơn vị, trong đó cấp xã có 227 đơn vị, khối xóm có 3.996 đơn vị và đơn vị sự nghiệp công lập có 185 cơ sở. Đến ngày 4/7 đã sắp xếp, phê duyệt phương án 4.269 cơ sở, đạt hơn 86%; còn lại 139 cơ sở chưa phê duyệt được phương án, chiếm 3,15%, trong đó, cấp xã có 30 đơn vị, khối xóm 71 đơn vị và đơn vị sự nghiệp 38 cơ sở.
Để tránh lãng phí tài sản công, Giám đốc Sở Tài chính đề nghị, các địa phương khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, xác minh nguồn gốc sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Sau khi sáp nhập dư ra nhiều cơ sở khác, theo phương án Sở Tài chính đưa ra sẽ bán đấu giá một số cơ sở để tập trung đầu tư cơ sở còn sử dụng. Trong trường hợp cần thiết, trong khả năng cân đối, đề nghị các địa phương lập phương án, Sở Tài chính cân nhắc bố trí nguồn hỗ trợ địa phương triển khai tốt nội dung này.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận
Kết luận phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã bám sát nội dung chất vấn, đặt câu hỏi đúng trọng tâm, làm rõ thực trạng và trách nhiệm, sẵn sàng tranh luận.
Giám đốc Sở Nội vụ trả lời cơ bản đầy đủ, nghiêm túc, nhận diện và giải trình các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Sở.
Giám đốc các Sở Tài Chính, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo phối hợp trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến lĩnh vực phụ trách, qua đó làm rõ nội dung đại biểu và cử tri quan tâm, làm rõ trách nhiệm sở, ngành, đơn vị liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cũng khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025 là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc tích cực; nhận được sự ủng hộ của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tỉnh ủy đã có chủ trương và văn bản chỉ đạo về việc tuyển dụng mới, bổ nhiệm chức vụ cao hơn đối với các đơn vị hành chính có liên quan đến sắp xếp ngay từ khi có Kết luận 48-KL/TW của Bộ chính trị. Đây là chủ trương kịp thời, thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo điều kiện cho việc sắp xếp, giải quyết dôi dư sau sắp xếp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Đồng thời sớm hoàn thiện dự thảo trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Các cấp, ngành, địa phương liên quan trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và phương án của Đề án để chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giải quyết cán bộ công chức dôi dư đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ đạo, ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh cần ban hành Kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó, hình thành hệ thống thông tin điện tử của chính quyền, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.