Sau 2 ngày làm việc, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua 21 nghị quyết quan trọng.
Chiều 10/7, kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã bế mạc sau 2 ngày làm việc với 21 nghị quyết quan trọng được thông qua.
Nhiều nghị quyết nổi bật được thông qua tại kỳ họp như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045; Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025; Quy định mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã quyết định nhiều chủ trương, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2024 là đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nhất là tăng trưởng GRDP đạt 6,5% trở lên.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, chính sách thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch các huyện; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thủ tục khởi công xây dựng các công trình trọng điểm, giải ngân đạt kế hoạch; triển khai các giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,02%.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% thì 6 tháng cuối năm kinh tế của tỉnh phải đạt mức tăng trưởng 7,9%, tương ứng với giá trị tăng thêm là 24.200 tỷ đồng. Cụ thể, khu vực nông nghiệp – thủy sản tăng 2,9%; khu vực dịch vụ tăng 7,8%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 17,4%.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng trên các lĩnh vực. UBND tỉnh sẽ tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường, phân tích, dự báo để có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm ổn định và gia tăng sản xuất; chủ động ứng phó trước những biến động bất lợi ở trong và ngoài nước.
Kinh tế của Vĩnh Long trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách nhà nước 3.801 tỷ đồng, đạt 63,91% dự toán năm, tăng 16,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 425,2 triệu USD, đạt 54,5% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tỉnh giải quyết việc làm mới cho 14.935 lao động, đạt 74,68% kế hoạch năm, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 850 lao động, đạt 50%.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đào Anh Xuân Nhựt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh./.
- Từ khóa:
- Vĩnh Long
- hộ nghèo
- Hội đồng nhân dân