Xã hội

Phát huy vai trò chủ thể của người dân làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi

Yên Bái

Tại Yên Bái đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người hiến công, hiến đất, hiến kinh phí, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Phong trào hiến đất, dịch rào mở đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, trở thành ý thức tự giác đối với người dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Từ nhiều năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái phát huy vai trò chủ thể của người dân trong các cuộc vận động, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người hiến công, hiến đất, hiến kinh phí, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết, nhiều nhiệm vụ, giải pháp để Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn được triển khai, thông qua vận động nông dân giúp nhau phát triển kinh tế; đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hiến đất dịch rào để làm đường và các công trình dân sinh nông thôn; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự... Những việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi và dần trở thành tự giác trong mỗi người dân.

Với mục tiêu hoạt động hướng về cơ sở, trên toàn tỉnh, Ban công tác Mặt trận đều tham gia Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Với quan điểm "lấy sức dân để lo cho dân", người dân vừa là chủ thể vừa là người hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới. Trước hết, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên cơ sở; lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động, đóng góp phù hợp từng đối tượng, địa bàn; đảm bảo tính hiệu quả thiết thực để nhân dân dễ học tập và làm theo.

Xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ là một điển hình hoạt động hướng về cơ sở. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phạm Thị Thanh An, nhận thức rõ lợi ích của xây dựng hạ tầng mang lại, trong 5 năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong xã đóng góp xây dựng 850m đường nhựa trị giá 9 tỷ đồng; đường điện chiếu sáng trị giá 2,5 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm Văn hóa xã trị giá 5,6 tỷ đồng. Đặc biệt, người dân ở 9/9 thôn đã hiến đất, cây cối, đóng góp ngày công, tiền của để làm 30,8 km đường nông thôn... trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp của tỉnh Yên Bái đã vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hiến trên 200 ha đất, 550.000 ngày công lao động và trên 500 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn, thủy lợi và các công trình phúc lợi. Cộng đồng đã tham gia đóng góp làm trên 100 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn... góp phần tích cực đưa tổng số 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào xây dựng mô hình “thôn, bản hạnh phúc” gắn với mô hình “gia đình hạnh phúc”, đến nay toàn tỉnh trên 70% thôn, bản hạnh phúc và trên 80% gia đình hạnh phúc; vận động thành lập gần 650 tổ tự quản bảo vệ môi trường. Đặc biệt, vận động trên 55.000 nông dân tham gia hoạt động trong gần 5.500 tổ hợp tác và trên 750 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ tổ chức liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

PV

Xem thêm