Đội thanh niên tình nguyện do các cấp bộ Ðoàn tỉnh An Giang thành lập đã góp phần cùng chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hiệu quả các thủ tục hành chính, đáp lại sự hài lòng trong nhân dân.
Qua hơn 3 tuần đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, với sự tham gia tích cực của các đội thanh niên tình nguyện do các cấp bộ Ðoàn tỉnh An Giang thành lập đã góp phần cùng chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hiệu quả các thủ tục hành chính, đáp lại sự hài lòng trong nhân dân.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Định Hòa, tỉnh An Giang, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, càng thấy rõ vai trò của các đoàn viên, thanh niên tình nguyện trong hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục.
Bà Thị Nhung, 65 tuổi, là người vừa được tình nguyện viên hỗ trợ kịp thời khi đến làm thủ tục đất đai, thay đổi thông tin tạm trú. Bà Nhung cho biết, do con cháu đi làm công nhân ở xa nên tự bà đến Trung tâm phục vụ hành chính công đăng ký lên thổ cư cho thửa đất vườn; đồng thời thay đổi thông tin tạm trú. Bà không biết cách đăng nhập VNeID và thao tác trên hệ thống bấm số đăng ký giải quyết thủ tục trên máy. Ngay lúc đó, các đoàn viên đã chủ động hướng dẫn bà cách chọn và đăng ký giao dịch thành công.
“Khi đi làm thủ tục tôi rất lo lắng, bởi không rành thực hiện các thao tác trên điện thoại và máy tính. Tuy nhiên nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện của các cháu tôi đã đăng ký thành công và nhận giấy hẹn trả kết quả trong vài ngày tới, tôi vui lắm”, bà Thị Nhung nói.
Anh Trần Thanh Tú, đoàn viên phường Rạch Giá, tỉnh An Giang cho biết, từ ngày 30/6 đến nay, anh cùng hơn 10 đoàn viên thanh niên phường và các khu phố tích cực hỗ trợ người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Rạch Giá làm thủ tục hành chính. Anh Tú và đội thanh niên tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; tư vấn và hướng dẫn thực hiện thủ tục; cài đặt các ứng dụng số: thanh toán điện tử, VNeID và các nền tảng số khác...
“Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, do nhiều thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Đa số người dân đến phường làm các thủ tục là người lớn tuổi, ít tiếp cận môi trường mạng. Do đó, lực lượng đoàn viên tình nguyện vừa vận động, thuyết phục, vừa tận tình hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới có thể thực hiện các giao dịch trên hệ thống”, anh Tú nói.
Chị Thị Phương Hồng, Phó Bí Tỉnh Đoàn An Giang cho biết, hiện nay 102 xã, phường và đặc khu của tỉnh đều có đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại các Trung tâm phục vụ hành chính công, với 1.353 tình nguyện viên tham gia. Các đội hình tình nguyện thực hiện nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính theo quy trình; hỗ trợ thao tác cơ bản trên các thiết bị công cộng; cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử; hỗ trợ người dân sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và địa phương, bao gồm các thao tác như nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu kết quả giải quyết, thanh toán trực tuyến, đăng ký tài khoản công dân điện tử...
Bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, các đội hình tình nguyện còn tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 3 tuần triển khai, các đội hình tình nguyện đã hỗ trợ trên 20.000 lượt người dân đến làm thủ tục tại các Trung tâm phục vụ hành chính công tại 102 xã, phường, đặc khu.
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang, để thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ mô hình chính quyền 2 cấp và dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc phối hợp hỗ trợ người dân và cán bộ tại các trung tâm phục vụ hành chính công, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng đội thanh niên tình nguyện, huy động các đoàn viên thanh niên có chuyên môn về công nghệ để tham gia hỗ trợ. Đồng thời tổ chức tập huấn cho các tình nguyện viên nắm vững thao tác cơ bản trên ứng dụng VneID, cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng AI, tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào "Bình dân học vụ số"... Qua đó, nhằm góp phần phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho người dân, với mục tiêu giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả, từ đó hòa nhập và phát triển trong kỷ nguyên số, để thu hẹp khoảng cách số, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số của đất nước.
Lực lượng đoàn thanh niên cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của chính quyền địa phương thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các chương trình, chính sách của chính quyền đến thanh niên và người dân. Bên cạnh đó, thanh niên cơ sở còn tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là lực lượng gần dân và dễ dàng tiếp cận với người dân nhất, do đó việc phát huy vai trò tiên phong của lực lượng đoàn thanh niên cấp cơ sở giúp chính quyền địa phương phục vụ nhu cầu người dân nhanh hơn, tốt hơn.
Chị Thị Phương Hồng cũng cho hay, trong giai đoạn hiện nay, việc trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, lượng lực đoàn thanh niên cần tiên phong, đi đầu trong thực hiện công nghệ số nhằm nâng cao trình độ cho bản thân và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức chuyển đổi số.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn An Giang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên; phối hợp các sở, ngành tập huấn kiến thức về chuyển đổi số từ cơ bản đến nâng cao phù hợp với từng trình độ nhận thức của đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, huy động đội ngũ cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên được đào tạo chuyên môn về công nghệ làm hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng, đào tạo và lan tỏa chuyển đổi số tại tổ chức đoàn tại các địa phương; thường xuyên tổ chức các cuộc thi, sân chơi công nghệ cho đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia, nhằm tạo môi trường cho các bạn rèn luyện và tiếp cận những công nghệ mới.
“Cùng với đó, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các đoàn cơ sở thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động của Đoàn - Hội, tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Đoàn - Hội ở địa phương”, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang nhấn mạnh./.