Xây dựng Đảng

Tuyên Quang đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Tuyên Quang

Kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang sau hai năm rưỡi thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ khóa 17, đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Một góc thành phố Tuyên Quang

TTXVN - Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và có những cách làm sáng tạo, hiệu quả phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ khóa 17), nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, qua đó, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc và hướng tới xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

*Tăng trưởng GRDP đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc

Sản xuất giấy xuất khẩu ở Công ty CP giấy An Hòa

Tuyên Quang là mảnh đất mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh để chủ động đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, nhất là các chỉ tiêu, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Với quyết tâm cao, cùng sự nỗ lực, quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, giải pháp chưa có trong tiền lệ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó kịp thời đối với những tác động, ảnh hưởng tiêu cực; tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, buổi làm việc để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước…

Sản xuất chế biến thép ở Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Quang)

Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang sau hai năm rưỡi thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ khóa 17, đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021-2023 là 8,12%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến hết năm 2023, dự kiến đạt 55,7 triệu đồng; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) bình quân 2021-2023, tăng 8,06%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,9%/năm; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới ước năm 2023 đạt 60,6%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết năm 2023 dự kiến đạt 3.200,5 tỷ đồng, đạt 80% mục tiêu Nghị quyết… Đến nay, tỉnh Tuyên Quang luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong 14 tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ.

* Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc

Ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết, những thành tựu Tuyên Quang đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, là nền tảng, là cơ sở rất quan trọng, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra…

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, cũng cho biết thêm, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án, cơ chế, chính sách của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển để nâng cao quy mô, giá trị, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình, dự án thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực tăng trưởng.

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Quang)

Cũng theo ông Chẩu Văn Lâm trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Cụ thể, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 63 triệu đồng; có 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 2,6 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.300 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 4.000 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 – 2,5%/năm…/.

PV

Xem thêm