Công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án phải bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
TTXVN - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên đã đánh giá cao việc ban hành Quy định này đã thể hiện sự công khai, minh bạch trong điều tra, truy tố, xét xử thi hành án.
Sau khi nghiên cứu Quy định số 132-QĐ/TW, ông Trần Quang Đẩu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm trong sạch bộ máy, để hệ thống chính trị phục vụ ngày một tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân.
Tâm huyết nhất nội dung của Chương II (từ Điều 6 đến Điều 10) nội dung về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án”, ông Trần Quang Đẩu cho rằng, theo Quy định số 132-QĐ/TW, có 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Về việc xử lý các hành vi vi phạm, Quy định số 132-QĐ/TW nêu rõ, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án đó là bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để Quy định số 132-QĐ/TW thực sự đi vào cuộc sống và là công cụ hữu ích trong “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án”, theo ông Trần Quang Đẩu, Đảng và Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể như: Công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án phải bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước cần phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án phải bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn. Bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, quy định, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Đánh giá cao việc ban hành Quy định số 132-QĐ/TW, ông Phạm Tuấn Anh, cán bộ Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho rằng, việc điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có mục đích nào khác ngoài việc để cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị xứng đáng hơn với niềm tin và sự phó thác của nhân dân. Quy định này giúp tổ chức, cá nhân công tác trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tự soi, tự sửa, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tránh mắc phải khuyết điểm, góp phần triển khai đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Sau khi nghiên cứu Quy định số 132-QĐ/TW gồm có 14 Điều, ông Phạm Tuấn Anh nhận thấy Điều 9 đặc biệt quan trọng, nêu rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các hoạt động khác có liên quan; chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, phụ trách. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan cần chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án, ông Phạm Tuấn Anh đề xuất, Nhà nước cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực để không thể tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác.
Đối với việc công khai tính minh bạch, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải tăng chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thông qua vai trò của các luật sư, nghiên cứu để tăng cường tính độc lập trong tố tụng, đảm bảo thu nhập cho cán bộ tư pháp./.