Thời sự

Quy định 132-QĐ/TW: Kiểm soát quyền lực, giữ vững “cán cân công lý”

Đà Nẵng

Quy định 132-QĐ/TW có thể xem như một chương nhằm bổ khuyết và ngăn chặn các hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự chưa hoặc không thể phòng ngừa, ngăn chặn trong giai đoạn hiện nay.

Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

(TTXVN)- Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo các đảng viên, nhân dân tại thành phố Đà Nẵng, đây là Quy định rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

*Kiểm soát quyền lực, giữ vững “cán cân công lý”

Theo Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng), trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay các loại tội phạm cùng hành vi vi phạm pháp luật cũng phát triển, thay đổi không ngừng. Bộ luật Hình sự đã có một số chương riêng nhằm bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật. Thực tế cho thấy, có những cá nhân hoặc một nhóm người nắm giữ chức vụ và quyền hạn trong tay nhưng lại có hành vi phạm tội rất tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Khi bị phát hiện họ tiếp tục bao che để không ai bị xử lý trách nhiệm, đến khi sự việc được làm sáng tỏ đã gây thiệt hại lớn về con người, tài sản cũng như ảnh hưởng trật tự xã hội. 

Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt cho rằng, Quy định 132-QĐ/TW có thể xem như một chương nhằm bổ khuyết và ngăn chặn các hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự chưa hoặc không thể phòng ngừa, ngăn chặn trong giai đoạn hiện nay. Chính vì thế, sự ra đời của Quy định này rất quan trọng và cần thiết nhằm ngăn ngừa, răn đe và chế tài đối với những người có quyền hạn, chức vụ trong tổ chức Đảng. Tại Quy định 132-QĐ/TW đã giải thích rõ từ ngữ và liệt kê đầy đủ hành vi mà người có chức vụ, quyền hạn có thể xâm phạm sự đúng đắn của pháp luật. Từ đó, áp dụng vào các điều luật đã có tại Bộ luật Hình sự, văn bản quy phạm pháp luật khác để "góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.

Còn theo ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng), công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước càng diễn ra quyết liệt thì càng phải tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm tránh tình trạng “bóng tối dưới chân đèn” dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc gây oan sai cho người vô tội.

Ông Bùi Văn Tiếng khẳng định, Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII vừa được ban hành đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xưa nay vẫn được hình dung là “cán cân công lý”, những cán bộ được giao thực thi nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xưa nay vẫn được xem là người “cầm cân nảy mực”. Vì thế, Quy định số 132-QĐ/TW ra đời tạo điều kiện để những người “cầm cân nảy mực”, tác nghiệp trên “cán cân công lý” công tâm hơn, công bằng hơn và công khai hơn, tránh tình trạng triệt để theo kiểu chỗ “triệt” chỗ “để” thiếu công bằng, làm ảnh hưởng đến kết quả chung của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo.      

*Ngăn chặn hành vi vi phạm của người thực thi pháp luật

Nghiên cứu 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án nêu trong Quy định số 132-QĐ/TW, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, Bộ Chính trị đã bao quát khá toàn diện các hành vi tha hóa quyền lực trong hoạt động tố tụng, thi hành án hiện nay ở nước ta. Điểm cốt lõi trong 28 hành vi này là “trái pháp luật”, là thiếu thượng tôn pháp luật ngay trong những người thực thi pháp luật. Chính vì thế, ông hy vọng với việc chỉ rõ 28 hành vi này, Quy định số 132-QĐ/TW góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, thi hành án của nước ta trong thời gian tới, góp phần vào thành công chung của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt cũng nhận định, Quy định 132 đã liệt kê, định nghĩa cụ thể và chi tiết đến 28 hành vi vi phạm. Khi người có chức vụ và quyền hạn vi phạm, họ sẽ luôn tìm các kẽ hở của pháp luật nhằm trốn tránh bị kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự, vì vậy, việc quy định cụ thể như trên là rất cần thiết và đúng đắn. Việc liệt kê chi tiết các hành vi vi phạm cũng giúp những người thực thi pháp luật khác căn cứ theo đó mà làm, tránh vi phạm trong quá trình thực hiện công vụ.

Tại khoản 2, điều 1 của Quy định 132 đã chỉ rõ đối tượng áp dụng: “Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (gọi chung là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền) trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Từ đó cho thấy sẽ không có một ai có thể trốn tránh trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật do mình gây ra.

Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt khẳng định, thời gian tới, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được những “người có thẩm quyền” áp dụng quy định một cách đúng đắn và chặt chẽ, mang lại hiệu quả rõ nét hơn. Qua đó công lý, quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ được bảo vệ một cách tối đa./.

 

Quốc Dũng

Xem thêm