Hội nghị trực tuyến chuyên đề về “Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng” được tổ chức để tìm giải pháp phát triển kinh tế du lịch.
TTXVN - Ngày 8/11, Hội nghị trực tuyến chuyên đề về “Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tới các điểm cầu ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin chuyên đề về thực trạng phát triển du lịch Sóc Trăng, đánh giá về thực trạng và định hướng phát triển du lịch đến năm 2030.
Các đại biểu được nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng và huyện Cù Lao Dung trao đổi về tiềm năng du lịch của địa phương; Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh tại Cần Thơ chia sẻ về đề xuất xây dựng sản phẩm và kết nối tour - tuyến du lịch.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hướng tới bứt phá về kinh tế, tỉnh tập trung triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dự án cầu Đại Ngãi kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: dự án Sân golf tại xã Song Phụng, huyện Long Phú; khu du lịch văn hóa sông nước tại Cù lao Dung...
Để thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sóc Trăng sẽ tập trung các nguồn lực triển khai hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong du lịch. Tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch…
Tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đa tôn giáo. Nằm ở hạ nguồn sông Hậu, tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng riêng, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch; đặc biệt, đã hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch như: Du lịch văn hóa tâm linh qua hệ thống hàng trăm ngôi đình, chùa của đồng bào Kinh, Khmer, Hoa với nét kiến trúc độc đáo và mang nét đặc trưng riêng biệt. Các lễ hội Cúng Phước Biển, Thác Côn (lễ hội Cúng dừa), Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách xem trực tiếp, trên 400.000 lượt khách thông qua mạng xã hội, trong đó khách ngoài tỉnh và quốc tế trên 20.000 lượt.
Sóc Trăng đã có những bước chuyển biến rất tích cực về du lịch. Địa bàn tỉnh có 8 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh, 8 di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2022, Tổ chức Guinness Việt Nam đã công nhận Kỷ lục Guinness “Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất” Việt Nam từ năm 2005 đến nay.
Sóc Trăng đã hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng ở huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù lao Dung. Tỉnh xây dựng các mẫu quà lưu niệm như: Mô hình ghe Ngo thu nhỏ, tranh phù điêu, tranh gạo, hình lưu niệm để bàn, móc khóa hình các ngôi chùa, hình các món đặc sản tỉnh...
Trong 10 tháng của năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2,4 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm./.