Hiệu quả từ một nghị quyết “hợp lòng Dân” - Bài 1: Những “nút thắt” giao thông nông thôn ở vùng khó
Vào mùa mưa, bão, thường xảy ra lũ ống, lũ quét, nước dâng cao, các tràn tạm, cầu tạm bị ngập úng hoặc bị cuốn trôi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông ở vùng khó.
TTXVN - Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, chiều dài đường giao thông nông thôn khá lớn, tuy đã được đầu tư theo các chương trình, đề án nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa được đầu tư, chủ yếu là ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, đóng góp của người dân hạn chế, nguồn vật liệu không sẵn có, hầu hết các tuyến đường đều chưa được đưa vào cấp hoặc chỉ đầu tư với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hệ thống công trình thoát nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhất là việc đầu tư xây dựng cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Vì vậy, việc đi lại hết sức khó khăn.
Đến hết năm 2020 theo thống kê, rà soát của các huyện, thành phố thì nhu cầu cần đầu tư xây dựng trên 350 cây cầu. Đặc biệt, có những địa phương như huyện Yên Sơn có đến trên 170 điểm đường giao thông giao cắt với sông, suối có nhu cầu đầu tư xây dựng cầu. Đây đều là những địa bàn có địa hình khó khăn, nhiều tuyến đường có sông, suối, chảy qua, chính quyền và nhân dân địa phương phải khắc phục bằng cống, tràn tạm hoặc cầu tạm. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, vào mùa mưa, bão, thường xảy ra lũ ống, lũ quét, nước dâng cao, các tràn tạm, cầu tạm bị ngập úng hoặc bị cuốn trôi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông
Bao năm qua, tuyến đường dẫn vào nhà 7 hộ dân và vùng sản xuất của gần 50 hộ đồng bào tân tộc Tày thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn bị chia cắt bởi con suối Ông Chiên. Ông La Văn Tám, Bí thư Chi bộ thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết, người dân thường phải lội qua suối để đi làm, đi học. Có những đoạn nước suối sâu, chính quyền và nhân dân ghép tạm những ống cống xi măng để đi lại. Song, biện pháp này cũng chỉ áp dụng được vào mùa khô, còn mùa mưa đến, lũ về nhiều, dòng nước suối dâng cao từ 1m đến 1,2m, “cây cầu tạm” bằng ống cống cũng bị ngập sâu, hoặc bị cuốn trôi theo dòng nước, vì thế, trẻ em không thể đến trường còn người lớn cố gắng đi qua cũng rất vất vả, nguy hiểm.
Ông Tám chia sẻ thêm, mùa mưa năm 2021, một gia đình trong thôn có người không may bị ngã, gẫy chân. Trời đêm tối, nước suối dâng cao, chảy siết, không có cách nào đưa được người đi bệnh viện.
Con suối Pác Vàng chảy qua địa phận thôn Làng Thẳm xã Kiên Đài huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vốn chỉ đến mắt cá chân người. Tuy nhiên, mỗi mùa mưa lũ đến nước đục ngầu, chảy siết, cây cầu tạm bằng gỗ nhiều lần bị nước suối nhấn chìm, cuốn trôi. Ông Ma Thế Trì, Trưởng thôn cho biết, thôn gần 70 hộ dân. Bên kia con suối còn hơn chục hộ dân, hơn 10 ha rừng và đất sản xuất của bà con. Cây cầu nhỏ bằng gỗ do nhân dân dựng tạm chỉ đủ 1 xe máy qua lại, chủ yếu là đi xe đạp và đi bộ. Việc đi lại của nhân dân vốn không thuận lợi, còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bất an.
Nước suối dâng cao mỗi mùa mưa bão, khó khăn đi lại, thậm chí bị cô lập cũng là nỗi bất an của nhiều hộ dân đang sinh sống bên con suối Khuổi Minh, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Thôn Nà Nghè sinh sống thành hai cụm dân cư, trục đường nội thôn nối liền hai cụm dân, giúp hơn 50 hộ dân cụm phía trong đi ra trung tâm xã, đi chợ trung tâm, trẻ em đi học bị con suối Khuổi Minh cắt ngang. Những ngày mưa, nước suối dâng cao, xe máy không thể đi được, bà con lội qua dòng nước suối cao quá đầu gối, đã có người dân bị ngã, thậm chí bị xô theo dòng nước suối chảy siết.
Ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, cho biết, Hồng Quang là xã miền núi, 100% đồng bào là dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Cũng như nhiều xã trên địa bàn, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những hạn chế lớn nhất của xã Hồng Quang, nhiều tuyến đường cách trở bởi sông suối. Ở nhiều thôn bản như như Nà Nghè, Bản Tha, Pá Ểm, Khuổi Nga..., đồng bào muốn đi lại chủ yếu lội qua suối và đi qua cầu tràn. Nhưng khi vào mùa mưa lũ, nước suối về dâng cao, đồng bào phải chờ nước suối rút mới có thể đi lại được. Dù may mắn là chưa có người dân nào thiệt mạng khi đi qua suối, nhưng cầu, đường còn khó khăn gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại và phát triển kinh tế xã hội của bà con nhân dân ở Hồng Quang.
Theo ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước năm 2021, tổng số cầu trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 736 cầu, trong đó đã xây dựng 155 cầu (Chương trình 135, Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP)...). Số cầu chưa đầu tư xây dựng là 581 cầu là cầu tạm, cầu cũ và những điểm cách trở bởi sông, suối. Đây là những “nút thắt” lớn của hệ thống giao thông nông ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, giao thương, buôn bán của bà con nhân dân; hạn chế kết nối các tuyến đường nông thôn với các tuyến trục chính trên địa bàn; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thương hàng hóa, kết nối liên vùng.
(Bài 2: Một nghị quyết hợp lòng dân)