Tây Ninh xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đồng thời, gắn với cải cách hành chính, từng bước đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số hiệu quả.
TTXVN - Đối với công tác chuyển đổi số, tỉnh Tây Ninh xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đồng thời, gắn với cải cách hành chính, từng bước đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số hiệu quả.
* Phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, việc thực hiện ứng dụng các nền tảng dùng chung của tỉnh đã được triển khai đến cấp xã, góp phần thay đổi lề lối, phương thức làm việc từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, mang lại hiệu quả tích cực. Bộ phận một cửa các cấp đã thực hiện niêm yết công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận bằng bản giấy hoặc trên hệ thống máy tính; thực hiện việc nhắn tin thông báo tình trạng hồ sơ; phối hợp với Bưu điện tỉnh công bố danh mục thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhờ công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, năm 2022, Tây Ninh xếp hạng 40 về chỉ số chuyển đổi số, tăng 6 bậc so với năm 2020. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn sử dụng nền tảng số đạt khoảng 3,6%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử là 100%. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2022 đạt khoảng 5,78%.
Theo ông Đỗ Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh, việc đánh giá, khảo sát tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục, qua hệ thống máy tính bảng. Tại đây, các quầy giao dịch được giám sát tập trung qua hệ thống camera, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, đảm bảo phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.
Chị Lê Thị Thảo Quyên, bộ phận nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt May S.Power (Việt Nam), Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng cho biết, chị thường xuyên đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh làm hồ sơ cho lao động người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp. Chị được hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm. Các khâu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hợp lý, giữa các quầy giao dịch có sự liên thông, tạo thuận lợi cho người đến làm thủ tục hành chính.
Anh Trà Minh Nhẫn, Hợp tác dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (huyện Tân Châu) chia sẻ, với ứng dụng dùng chung “Smart Tây Ninh”, anh có thể nộp hồ sơ trực tuyến, cập nhật, tra cứu nhiều thông tin liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, phục vụ việc phát triển sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.
* Một số lĩnh vực có chuyển biến rõ
Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, tỉnh xác định lựa chọn ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp trải nghiệm mới, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, các ngành cần tập trung là: Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải, Tài chính - ngân hàng, Du lịch, Nông nghiệp, Môi trường…; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực khác khi có điều kiện.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, Tây Ninh định hướng phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh. Tỉnh phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Vì vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực này là cần thiết.
Tây Ninh đã cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho 247 cơ sở trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 1.728 ha; hỗ trợ in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho các loại sản phẩm như: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu (na) ta, mãng cầu Thái, góp phần minh bạch quá trình sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, giá trị cho nông sản. Tại địa phương đã có 4 cơ sở đóng gói được cấp và sử dụng mã số xuất khẩu; 15 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU được duy trì; đang chờ phê duyệt 16 mã số vùng trồng sầu riêng.
Nổi bật, năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu. Ông Hà Chí Mãng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đơn vị đang thực hiện ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong từng khâu chăm sóc, thu hoạch mãng cầu và chế biến quả mãng cầu. Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, đồng thời thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay (Drone), giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể sử dụng linh hoạt trong điều kiện thời tiết thay đổi. Sản phẩm quả mãng cầu của đơn vị đã có mã QR-code. Do đó người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm.
Hợp tác xã đang xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm sau thu hoạch đối với quả mãng cầu bằng máy tự động xử lý bảo quản, kéo dài thời gian quả chín; đồng thời, có dây chuyền sản xuất chế biến các sản phẩm như: nước mãng cầu lên men đóng lon, sữa chua mãng cầu. Các thiết bị sẽ được trang bị theo hướng tự động số hóa, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Đơn vị đã có trang thông tin www.htxnnmangcauthanhtan.vn để quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên một số sàn thương mại điện tử.
Tại tỉnh Tây Ninh còn có một số trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ gia súc tập trung sử dụng phần mềm TE-food (phần mềm giúp kiểm tra nguồn gốc thịt thông qua mã QR được in trên bao bì).
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo sức bật mới cho ngành Du lịch. Cuối năm 2021, sau COVID- 19 “lắng dịu”, tỉnh đã tổ chức chương trình “Trải nghiệm du lịch Tây Ninh” bằng hình thức trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch bệnh; phối hợp quảng bá du lịch thông qua các chương trình famtrip, trải nghiệm du lịch và quảng bá trên các trang cá nhân của người nổi tiếng…, tăng sức lan tỏa cho du lịch địa phương. Nhờ đó, du lịch Tây Ninh có sự bứt phá ngoạn mục trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19. Năm 2022, tỉnh thu hút 4,5 triệu lượt du khách. Trong đó, Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen trở thành một trong 5 điểm đến hấp dẫn hàng đầu cả nước. Trong 10 tháng của năm 2023, địa phương thu hút gần 4,5 triệu lượt du khách, đạt gần 90% kế hoạch đề ra; tổng doanh thu 1.895 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch, mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch, từng bước định hình, hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tỉnh phát triển đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh trên các công cụ quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời, tích hợp Cổng thông tin du lịch Tây Ninh với Bản đồ số du lịch thông minh tỉnh, xây dựng các kênh truyền thông du lịch qua việc khai thác các nền tảng mạng xã hội, xây dựng hệ thống Chatbot, hỗ trợ thông tin liên quan đến du lịch, dịch vụ cho du khách… Ban Quản lý các khu, điểm du lịch ưu tiên đẩy mạnh sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng dẫn tự động bằng nhiều ngôn ngữ để phục vụ du khách được tốt hơn./. (Hết)