Các cấp chính quyền thành phố đẩy mạnh xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính.
TTXVN - Sáng 2/11, Hội thảo khoa học cấp thành phố với chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra" đã được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 10/4/2023. Chương trình tập trung nêu bật những giải pháp trên lĩnh vực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đà Nẵng tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng trong hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố; sắp xếp và đổi mới hoạt động theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị.
Các cấp chính quyền thành phố đẩy mạnh xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Theo Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Thuận, Nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị tiến bộ của nhân loại; một mô hình, phương thức tổ chức và kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Thành phố đã có nhiều thành tích, kết quả nổi bật như: công tác đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân là “điểm sáng” trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn thành phố.
Từ năm 2013 đến nay, các địa phương, đơn vị đã tiếp 11.146 lượt công dân; xử lý 14.369 đơn thư, tỉ lệ đơn thư được cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, phản hồi đạt hơn 90%... Do không tổ chức HĐND cấp quận, phường như trước đây, các cơ quan, đơn vị tăng cường hoạt động tiếp công dân; thành phố xây dựng cơ chế ràng buộc, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn thư.
Nhằm đảm bảo tinh thần “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật”, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm; công tác đấu tranh xử lý tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường đạt kết quả tốt… Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp thành phố; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng trên địa bàn…
Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Đà Nẵng còn một số hạn chế, vướng mắc như: xây dựng và thực hiện pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; các chức danh cán bộ phường chưa có quy định liên thông, vẫn thực hiện theo quy định về cán bộ cấp xã tại Luật Cán bộ, công chức. Về quản lý ngân sách, khi các quận, phường chuyển từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán, việc áp dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có quy định, khi thực hiện còn lúng túng. Hạn chế lớn nhất của đội ngũ cán bộ, công chức là tinh thần, thái độ làm việc, còn tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc. Trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án, tỷ lệ án hủy, sửa do sai vẫn còn. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn chưa được chú trọng…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý đã làm rõ thực trạng và những vấn đề còn tồn tại trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời trao đổi thẳng thắn, nhiệt tình, có những thông tin, kiến nghị bổ ích. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, bình an, văn minh, hiện đại, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra./.