Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.
TTXVN - Tây Ninh là một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được kỳ vọng trở thành khu vực phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số. Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, tỉnh Tây Ninh xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết chủ đề: Chuyển đổi số, tạo bước phát triển mới.
Bài 1: Lộ trình hợp lý
Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu liên quan chuyển đổi số đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, tỉnh cơ bản hoàn thành các nền tảng cho chính quyền số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2030, tỉnh hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.
* Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số
Xác định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số nhằm tạo những bước phát triển mới, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh xây dựng chương trình chuyển đổi số trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái và khả năng chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số cấp tỉnh. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số. Việc triển khai ứng dụng các nền tảng dùng chung của tỉnh cũng được triển khai đến cấp xã, góp phần thay đổi lề lối làm việc, phương thức làm việc từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh đã tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng ứng dụng “Tây Ninh Smart” là ứng dụng dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, phát triển phiên bản ứng dụng “Tây Ninh Smart” chạy trực tiếp trên nền tảng “mini app” của Zalo, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và công chức nhiều tiện ích như nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, đăng ký cửa hàng 4.0, thanh toán học phí trực tuyến, xem truyền hình, radio trực tuyến, cập nhật các tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương…
Thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh đề ra là đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung và Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng. Đồng thời, xây dựng lộ trình số hóa các văn bản hành chính hướng tới triển khai toàn bộ văn bản điện tử (trừ những văn bản mật); cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các loại thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh Tây Ninh trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2020 đang phát huy hiệu quả. Trung tâm có chức năng tổ chức vận hành hệ thống dữ liệu dùng chung, hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, đồng thời cũng giúp chính quyền tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề còn bất cập. Người dân có thể gửi thông tin phản ánh từ hiện trường và theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết các vấn đề đã phản ánh. Mới đây nhất, vào cuối tháng 10/2023, Trung tâm đã đưa vào khai thác, sử dụng, vận hành hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tập trung cho đơn vị thụ hưởng gồm: Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh cho biết: Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tập trung gồm 375 camera, lắp đặt tại 147 vị trí giao thông quan trọng. Các dữ liệu thông tin được quản lý, lưu trữ tại Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế, xã hội tập trung của tỉnh, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, dịch vụ đô thị thông minh. Việc kết nối, quản lý tập trung các hệ thống camera giám sát giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của từng hệ thống, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước được hiệu quả trên môi trường số, góp phần xây dựng chính quyền số.
* Gắn với cải cách hành chính
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh đang triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025; Đề án thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã công bố đầy đủ các thủ tục, hướng dẫn sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến toàn phần. Cùng với đó, Tây Ninh đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng và công bố quy trình nội bộ, quy trình điện tử và danh mục thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền theo quy định của pháp luật.
Ông Đỗ Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh cho biết: Đơn vị là đầu mối thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày tại Trung tâm tiếp nhận hơn 500 lượt người đến làm các thủ tục hành chính. Tất cả các thủ tục hành chính đưa vào Trung tâm đều được xây dựng trên Hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử” của tỉnh; 100% hồ sơ, thủ tục được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả. Trong 10 tháng của năm 2023, tổng số hồ sơ được đơn vị tiếp nhận và trả kết quả đúng hạn đạt gần 99%.
Là một phường ở thành phố Tây Ninh, UBND Phường 1 đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số tới người dân, gắn công tác chuyển đổi số với cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh chóng. Đại diện UBND Phường 1 cho hay, việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử được thực hiện nghiêm túc tại Bộ phận một cửa của phường. Phường cũng triển khai thực hiện chữ ký số miễn phí cho người dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay tại UBND Phường 1, tỷ lệ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách có tài khoản Dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt 100%.
Đề cập đến hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần tuyên truyền người dân thực hiện chuyển đổi số như tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, ông Lê Cộng Tuyến - cán bộ UBND Phường 1 chia sẻ: Các Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đến từng gia đình, tuyên truyền người dân về chuyển đổi số, hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công, làm cho người dân thấy công nghệ thông tin, chuyển đổi số có tác dụng thiết thực.
Anh Trần Thành Minh, người dân Phường 1 cho biết: Gia đình tôi có các thành viên lớn tuổi, khi được tổ công nghệ số cộng đồng đến giải thích sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin, tác dụng của cài đặt tài khoản định danh điện tử giúp các dữ liệu của bản thân được lưu giữ có hệ thống, mọi người rất yên tâm. Bản thân tôi khi cần làm thủ tục xác nhận lý lịch, tình trạng hôn nhân, cũng thấy thuận lợi, nhanh chóng hơn./.
- Từ khóa:
- Tây Ninh
- chuyển đổi số
- lộ trình
- phát triển