Thời sự

Chính sách cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật - đa số không thực hiện

Nghệ An

Việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên có tham gia dạy học sinh khuyết tật để giúp họ phần nào giảm bớt áp lực và kịp thời động viên giáo viên dạy học ở những lớp đặc thù.

Giờ học tại lớp học hòa nhập có học sinh khuyết tật tại Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

TTXVN - Liên quan đến công tác giáo dục dành cho học sinh khuyết tật học hòa nhập, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật và các chế độ chính sách của giáo viên có tham gia dạy học sinh khuyết tật ở các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên hiện nay chưa một trường học nào ở Nghệ An nhận được các văn bản hướng dẫn, cũng chưa có giáo viên nào ở Nghệ An đang dạy học sinh khuyết tật được hưởng chế độ.

Trường Tiểu học Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn hiện có 3 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh khuyết tật, nhà trường thực hiện giảm sĩ số mỗi lớp 3 em. Các nhiệm vụ khác, giáo viên có học sinh khuyết tật học hòa nhập cũng giống như các lớp bình thường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, giáo viên Trường Tiểu học Nam Lĩnh chia sẻ, khi có học sinh khuyết tật học hòa nhập, chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh có thể học bình thường như các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, với một học sinh tăng động, việc dạy học thực sự khó khăn hơn. Với các bạn này, ngoài việc dạy chữ, dạy kiến thức, giáo viên phải thường xuyên bên cạnh bảo ban, động viên, khích lệ để học sinh có động lực cố gắng.

Một lớp học có học sinh khuyết tật tại trường Tiểu học Nam Lĩnh (Nam Đàn, Nghệ An). (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Hưng Nguyên cũng có 6 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập. Tại những lớp này, nhà trường ưu tiên giảm sĩ số. Thầy giáo Phan Xuân Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những lớp có học sinh khuyết tật, giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều, nhất là học sinh bị tăng động hoặc những lớp đầu cấp. Bởi lẽ ở lứa tuổi Tiểu học, nhiều em chưa tự biết phục vụ. Nhà trường cố gắng tạo điều kiện cho giáo viên nhưng việc chưa có cơ chế hỗ trợ khiến giáo viên dạy các lớp học này rất thiệt thòi.

Căn cứ Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29/01/2018 Quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Lớp học hòa nhập là lớp học có người khuyết tật học tập cùng với người không khuyết tật.

Tại Mục 4, điều 12 Thông tư này đã xác định: Tất cả các giáo viên có dạy học sinh khuyết tật (có giấy chứng nhận) sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập. Trước đó, từ Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP. Trong đó, tại điều 5 Thông tư 22 đã nêu rõ cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật với mức hưởng phụ cấp trách nhiệm cho các giáo viên mỗi tiết dạy là 0,2 (mỗi tiết dạy trẻ khuyết tật hòa nhập giáo viên được hưởng thêm 20% số tiền của mỗi tiết dạy của cá nhân).

Giờ học tại lớp học hòa nhập có học sinh khuyết tật tại Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Quy định là vậy nhưng hiện nay, trên cả nước, số địa phương thực hiện việc chi trả này đang đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Nghệ An. Qua tìm hiểu của phóng viên, lãnh đạo nhiều trường học có học sinh khuyết tật đang học hòa nhập và có cả những học sinh khuyết tật về trí tuệ đều bày tỏ, Chính phủ đã có chế độ phụ cấp cho giáo viên không chuyên trách có dạy học sinh khuyết tật hòa nhập, tuy nhiên đến nay giáo viên chưa được nhận. Việc thực hiện chế độ, chính sách này cần sớm được triển khai để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, giúp họ phần nào giảm bớt áp lực và kịp thời động viên giáo viên dạy học ở những lớp đặc thù.

Thống kê chưa đầy đủ Nghệ An hiện có gần 4.000 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại gần 3.200 lớp ở các nhà trường, trong đó nhiều nhất là ở bậc Tiểu học. Tính toán bước đầu, với số học sinh đang học, số lớp, nhân với 20% chi trả thêm cho giáo viên thì con số để chi trả thêm hàng năm cho giáo viên có học sinh khuyết tật lên đến trên 70 tỷ đồng. Đây thực sự là bài toán khó đối với ngân sách tỉnh, nhất là kinh phí chi cho giáo dục đang ngày một khó khăn./.

Bích Huệ

Xem thêm