Thực thi chính sách

Hiệu quả từ một nghị quyết “hợp lòng Dân” - Bài 2: Một nghị quyết hợp lòng dân

Tuyên Quang

Chủ trương xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn là quyết sách đúng đắn, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân giúp cho việc kết nối thông suốt các tuyến đường giao thông nông thôn.

TTXVN - Để thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án xây dựng các công trình giao thông, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn. Trong đó, Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 55) là một chủ trương hết sức đúng đắn, đi vào lòng dân, từng bước gỡ “nút thắt” cho giao thông nông thôn, tạo liên kết vùng, tác động tích cực các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

*Quyết sách kịp thời

Có cây cầu mới, trẻ em đi học an toàn, bà con đi lại thuận tiện, việc khai thác và vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp cây cối, nông sản, máy móc phục vụ nông nghiệp dễ dàng hơn. (Ảnh: Thu Huyền)


Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII (15/10/2020), căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở GTVT đã tham mưu, đề xuất xây dựng Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa thực hiện khâu đột phá, các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội. Đề án được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 (ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh một tháng). Chủ trương xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn là quyết sách đúng đắn, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân giúp cho việc kết nối thông suốt các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện rất lớn cho động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đề án được triển khai thực hiện, góp phần, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế; kết nối liên vùng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 55 là đầu tư xây dựng mới tổng 355 cây cầu trên đường giao thông nông thôn.Trong đó đó, giai đoạn 2021 – 2025, Tuyên Quang hoàn thành xây dựng ít nhất 200 cây cầu nông thôn tại 7 huyện, thành phố; số cầu còn lại tiếp tục đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026 – 2030.

Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang, cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 55 được thông qua, căn cứ theo số lượng được phân bổ theo kế hoạch từng năm, Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đăng ký kế hoạch thực hiện bê tông hóa đường GTNT và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn đồng thời xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí các công việc thực hiện, lập thiết mẫu định hình, xây dựng định mức… cho cả giai đoạn 2021-2025; đồng thời chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các xã, thị trấn kiểm tra thực tế hiện trường, thống nhất danh mục các vị trí đề nghị xây dựng cầu; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai thi công.

Cũng theo ông Trần Văn Sang, đối với các công trình cầu trên đường giao thông nông thôn, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng, nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu, đường dẫn và đường kết nối. Chính vì vậy, điều kiện để đầu tư là các địa phương có đăng ký xây dựng cầu phải tiến hành họp bàn nhân dân, vận động nhân dân hiến đất và thống nhất phương án giải phóng mặt bằng. Về cơ bản, những nơi mà có cầu đi qua, nhân dân rất ủng hộ, đồng lòng hiến đất, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị thi công trong quá trình xây dựng cầu.

*Nhân dân đồng thuận

Cầu Ô rô, bắc qua con suối Ô rô, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/2023. (Ảnh: Thu Huyền)

Thôn Hưng Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên là một trong số địa phương được hỗ trợ xây dựng cầu theo Nghị quyết 55. Cầu Ô rô, bắc qua con suối Ô rô, được xây dựng vào tháng 11/2022 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/2023 trong sự vui mừng, phấn khởi của đông đảo nhân dân thôn Hưng Long. Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UNBD xã Thành Long cho biết, cây cầu Ô rô bằng bê tông nối liền tuyến đường dẫn vào nhà ở của hơn 20 hộ dân và hàng chục ha đất sản xuất của nhân dân thôn Hưng Long. Trước đây, chưa có cầu, bà con ở đây đi lại nhờ cây cầu tạm bằng gỗ, mục, yếu, nguy hiểm. Chính vì vậy, khi biết được hỗ trợ xây dựng cầu, nhân dân trong thôn Hưng Long rất phấn khởi, 3 hộ dân sống liền kề con suối Ô rô hộ tự nguyện hiến khoảng 1.500m2 đất vườn, hiến ao, hiến ruộng để làm mặt bằng xây dựng cầu, hỗ trợ tối đa cho cán bộ công nhân xây dựng để công trình cầu hoàn thành đúng tiến độ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khuynh, thôn Hưng Long hiến trên 740m2 đất, là một trong số những hộ hiến nhiều đất nhất để xây dựng cầu Ô rô. Ông Nguyễn Văn Khuynh chia sẻ: “Có cây cầu mới là tốt rồi, hiến bao nhiêu đất đai không quan trọng. Cứ nghĩ đến tương lai bà con mình đi chợ, đi làm, đi rừng thuận tiện, con em mình đi học được an toàn thì tôi không tiếc đất, tiếc ruộng gì hết.”

Gia đình bà Nguyễn Thị Phong, dân tộc Tày, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên huyện Lâm Bình đã tự nguyện 200 m2 đất vườn để làm cầu và hỗ trợ cho đơn vị thi công mượn trên 270m2 đất vườn làm mặt bằng để máy móc, vật liệu thi công cầu. (Ảnh: Thu Huyền)

Cùng mong muốn có cây cầu chắc chắn để thuận tiện đi lại, gia đình bà Nguyễn Thị Phong, dân tộc Tày, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên huyện Lâm Bình đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng cây cầu Khuổi Mạ. Bà Nguyễn Thị Phong cho biết, nhà nằm liền con suối Khuổi Mạ, bao năm qua, gia đình bà Phong và nhân dân rất vất vả đi lại qua cây cầu tạm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nay được Đảng, Nhà nước hỗ trợ làm cây cầu, gia đình đã thống nhất hiến hơn 200 m2 đất vườn để làm cầu và hỗ trợ cho đơn vị thi công mượn trên 270m2 đất vườn làm mặt bằng để máy móc, vật liệu thi công cầu.

Là một trong các đơn vị thi công xây dựng cầu theo Nghị quyết 55 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ông Lã Chí Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Bắc chia sẻ, trong quá trình xây dựng cầu, đơn vị được chính quyền và bà con nhân dân các địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ. Dù sống ở vùng khó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng, bà con bà con không chỉ đồng thuận hiến đất đai, ruộng vườn đề giải phóng mặt bằng cho thi công, mà còn nhiệt tình hỗ trợ chỗ sinh hoạt, ăn ở cho cán bộ, công nhân làm cầu, chặt lá cọ làm lán, che máy, thiết bị hỗ trợ công nhân trong đợt nắng nóng cao điểm.

Nối “mạch” đường phát triển kinh tế

Từ ngày có cầu Lũng Ỏi bằng bê tông chắc chắn, con đường nội thôn của thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn đã được nối liền. Ông La Văn Tám, Bí thư Chi bộ thôn Đán Khao cho biết, có cây cầu mới, trẻ em đi học an toàn, bà con đi lại thuận tiện, việc khai thác và vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp cây cối, nông sản, máy móc phục vụ nông nghiệp cũng dễ dàng,

Với nhân dân thôn Lẹm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, có cây cầu mới điều kiện kinh tế của thôn thay đổi hoàn toàn. Ông Trần Văn Bắc, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lẹm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Cây cầu Bảy Hào được đầu tư xây dựng theo Nghị quyết 55 đã giải quyết cho tất cả các hộ dân một là đi lại thuận tiện, các cháu học sinh không phải dở dang buổi học, hai là, thôn Lẹm là vùng trồng cây nguyên liệu giấy, giờ các chuyến hàng khai thác đã thuận lợi, xe tải vào tận nơi để chở gỗ, các sản phẩm nông, lâm sản tại khu vực cũng vì vậy được nâng cao giá trị. Ngoài ra, không chỉ phục vụ bà con thôn Lẹm, cây cầu Bảy Hào tạo liên kết vùng, giao thương hàng hóa giữa hai xã là Kháng Nhật và Hợp Thành huyện Sơn Dương”.

Cây cầu Minh Hà, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, Hàm Yên giúp bà con đi lại, giao thương thuận tiện, dễ dàng. (Ảnh: Thu Huyền)

Là một trong những địa phương xa xôi và còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Yên, cây cầu Minh Hà, được xây dựng tại thôn Minh Hà, xã Minh Khương giúp hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, tạo thêm điều kiện, động lực cho bà con nhân dân trên địa bàn nhanh chóng bắt nhịp phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tiến tới xây dựng diện mạo nông thôn mới. Ông Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương, huyện Hàm Yên cho biết, trước kia, bà con nhân dân thôn Minh Hà muốn thu hoạch cây cam, cây bưởi, cây chanh hoặc các cây lâm nghiệp chi phí rất là cao. Nhất là thu hoạch vào mùa mưa, không qua được suối, bà con tăng bo gần cây số mới ra đến đường bê tông nội thôn. Giờ đây, có cầu, giao thông trong thôn dược nối liền, sẽ mang lại sinh khí mới cho địa phương phát triển.

Đến nay, 77 cây cầu trên đường GTNT của năm 2021, 2022 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại diện mạo mới, cuộc sống mới cho nhiều nơi vùng khó khăn. Thời điểm hiện tại, 39 cây cầu của năm 2023 đang được tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện xây dựng đúng theo tiến độ đã đề ra.

(Bài 3: Vượt khó hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn)

Thu Huyền

Xem thêm