Hiệu quả từ một nghị quyết “hợp lòng Dân” - Bài 3: Vượt khó hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn
Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 đã thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Tuyên Quang.
TTXVN - Hơn 2 năm rưỡi thực hiện Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương khó khăn ở Tuyên Quang đã được “thay da đổi thịt” khoác lên mình một diện mạo mới. Đây là những “quả ngọt” từ nỗ lực, quyết tâm, đồng thuận, khắc phục khó khăn của chính quyền và nhân dân Tuyên Quang vì mục tiêu phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
* Gỡ “khó” để xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn
Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang khẳng định, chủ trương xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn là rất đúng và phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân, giúp cho việc kết nối các tuyến đường giao thông nông thôn được thông suốt; đặc biệt là vào mùa mưa lũ, vào vùng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện rất lớn cho động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thi công xây dựng các công trình cầu cũng gặp một số khó khăn nhất định như công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn chậm; tiến độ thi công một số cầu trên địa bàn các huyện chưa đúng với kế hoạch đề ra.
Trước tình hình đó, xác định tuyên truyền vận động là yếu tố then chốt, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân nắm, hiểu rõ chủ trương, mục đích, hiệu quả và ý nghĩa của Đề án và giải pháp thực hiện; đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, gia đình trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn, từ đó, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tỉnh Tuyên Quang cũng đẩy mạnh thông tin về công tác triển khai, kết quả thực hiện và những cá nhân, đơn vị điển hình thực hiện Nghị quyết 55 qua các kênh thông tin đại chúng để mỗi người dân thêm hiểu rõ chủ trương, nâng cao nhận thức, lan tỏa hành động tự nguyện đóng góp, xây dựng các công trình.
Cũng theo ông Trần Văn Sang, phần lớn các công trình cầu nằm rải rác, trải dài tại những địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, nên điều kiện đi lại, vận chuyển máy móc thi công gặp nhiều trở ngại; điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Khắc phục khó khăn đó, các đơn vị thi công đã tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc thiết bị, tăng cường thêm nhân lực, bố trí làm tăng ca để bù lại tiến độ thi công các hạng mục do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão.
* Giải pháp và định hướng
Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông nông thôn, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn, là động lực và là tiền đề để xây dựng chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển và mang lại diện mạo mới vùng nông thôn của tỉnh Tuyên Quang.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 55, ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa phát triển giao thông nông thôn; huy động mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn hàng năm theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đồng thời, các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Xây dựng chương trình, kế hoạch nhu cầu nguồn vốn phục vụ công tác đầu tư, xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn của những năm tiếp theo đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, Đề án khác để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; chú trọng công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì góp phần kéo dài tuổi thọ công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội./.
(Hết)