Tại Thừa Thiên - Huế chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại; tuy nhiên, ngành Y tế địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân không chủ quan với những vết thương động vật cắn dù nhẹ và cẩn trọng khi nuôi nhốt chó, mèo.
Gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp xuất hiện nhiều trường hợp bị động vật cắn. Từ tháng 2 - 4/2024, địa phương có hơn 2.200 lượt người phải tiêm phòng bệnh dại; trong đó, hơn 200 trường hợp nặng phải tiêm huyết thanh kháng dại.
Tình hình tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế trở nên phức tạp từ khi xuất hiện đợt nắng nóng cao điểm từ đầu năm đến nay. Số lượt người tiêm không chỉ tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 mà còn tăng cả về số ca nặng. Trung bình mỗi tháng có 150-180 trường hợp mới đến tiêm phòng dại kể cả người lớn và trẻ em; đặc biệt, tháng 4 vừa qua, có 250 trường hợp được ghi nhận. Nhiều ca bị chó cắn phức tạp được chuyển từ Quảng Bình, Quảng Trị đến để xử lý tiêm huyết thanh và giải quyết vết thương.
Đầu tháng 5/2024, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận một số ca cấp cứu, nguy hiểm vì bị động vật cắn vùng mặt, cánh tay, chân...; trong đó có bé gái 6 tuổi (trú phường An Hòa, thành phố Huế) với vết thương phức tạp, sâu, mất tổ chức da do chó cắn ở tay. Chị Nguyễn Mộng Thùy Dương, mẹ bệnh nhi cho biết, lúc đạp xe trong xóm, cháu bị chó dữ tấn công. Con chó này từng cắn 1 -2 người khác và đang được theo dõi tại nhà. Hiện nay sức khỏe cháu đã ổn định, được tiêm huyết thanh kháng dại và 2 mũi vaccine phòng dại.
Khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ - Bàn tay, Bệnh viện Trung ương Huế hiện đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (trú tỉnh Quảng Bình) bị chó cắn, vết thương kéo dài gần hết một vòng cánh tay cùng nhiều vết thương nhỏ khác
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đặng Huy Nhật, Khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ - Bàn tay, trong khoảng hai tuần qua, Khoa tiếp nhận 5-6 trường hợp có vết thương động vật cắn nặng. Một số vết thương bị mất tổ chức da, dưới da, thậm chí mất tổ chức cơ. Những trường hợp này sẽ được đánh giá, xử lý cấp cứu cắt lọc để hở vết thương và chăm sóc, làm sạch. Sau khi vết thương lên mô tốt sẽ được phẫu thuật đóng lại và điều trị kháng sinh. Nếu bị mất tổ chức da nhiều, bệnh nhân sẽ được chỉ định ghép da hoặc làm vạt che phủ huyết học phần mềm.
Tại Thừa Thiên - Huế chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại; tuy nhiên, ngành Y tế địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân không chủ quan với những vết thương động vật cắn dù nhẹ và cẩn trọng khi nuôi nhốt chó, mèo.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Kim Nhã, Phó trưởng Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, người dân không nên áp dụng biện pháp điều trị dân gian như chích lễ, đặt ngọc, liếp dao, bôi lá ớt hoặc thuốc nam... vì không có tác dụng gì đối với việc điều trị mà còn mất đi cơ hội điều trị bệnh dại. Khi bị chó, mèo cắn, cào nên lập tức đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại và tiêm đủ 5 mũi để kéo dài miễn dịch./.
- Từ khóa:
- Thừa Thiên Huế
- động vật cắn
- bệnh dại
- tiêm phòng