Khoa học

Ứng dụng kỹ thuật số vào nghiên cứu, biên soạn các công trình từ điển, bách khoa thư

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, ban hành và triển khai có kết quả nhiều hoạt động ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Từ điển học và Bách Khoa thư học trong thời đại kỷ nguyên số: Thực trạng và giải pháp”. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN)- Ngày 26/10, tại Hà Nội, Viện Từ điển Bách khoa thư (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Từ điển học và Bách Khoa thư học trong thời đại kỷ nguyên số: Thực trạng và giải pháp”. Đây là diễn đàn để các nhà từ điển học và bách khoa thư học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên cả nước công bố nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề về nghiên cứu và biên soạn trong bối cảnh chuyển đổi số. 

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới mọi mặt, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của từng quốc gia và Việt Nam với nhiều cơ hội, thách thức đặt ra. Trước bối cảnh này, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định nội dung cốt lõi là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Với những quyết sách đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, ban hành và triển khai có kết quả nhiều hoạt động ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Theo Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, từ điển học là ngành khoa học đặc thù, hoạt động dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu lớn. Do đó, việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào việc nghiên cứu, biên soạn các công trình từ điển, công trình bách khoa là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, Hội thảo này rất thiết thực và ý nghĩa nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, đánh giá những vấn đề lý luận, các trường phái, khuynh hướng trong nghiên cứu từ điển học trên thế giới; nhận diện các ứng dụng trong thực tiễn nghiên cứu, biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam trong kỷ nguyên kỹ thuật số; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định phương hướng phù hợp với thực tiễn trong biên soạn các công trình từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam gắn với ứng dụng công nghệ kỹ thuật số thời gian tới.

Tham luận tại đây, Viện trưởng Viện Từ điển Bách khoa thư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hà cho rằng, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thế giới cũng như Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác cơ sở dữ liệu, đổi mới cách thức, phương pháp biên soạn, tương tác, kết nối và chia sẻ giữa các nhà biên soạn từ điển và bách khoa thư trong môi trường số đang là một xu hướng trên toàn thế giới.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Từ điển học và Bách Khoa thư học trong thời đại kỷ nguyên số. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

Trong lĩnh vực từ điển học và bách khoa thư học, quá trình thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cho thấy rõ điều này. Đề án do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đề xuất, được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2014. Năm 2020, đề án bước vào giai đoạn 2 - mời cộng đồng cùng tham gia biên soạn. Ngày 1/10/2020, đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ra mắt dự án Bách khoa toàn thư số (tại địa chỉ bktt.vn) trên nền tảng mã nguồn mở.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Vũ Ngọc Hà cho rằng, trong thực tế, ứng dụng kỹ thuật số vào nghiên cứu và biên soạn các công trình bách khoa cũng như các công trình từ điển đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chính vì vậy, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam mong muốn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, đánh giá những vấn đề lý luận, những trường phái, khuynh hướng trong nghiên cứu từ điển học trên thế giới và việc ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu, biên soạn ở Việt Nam trong kỷ nguyên kỹ thuật số; chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và biên soạn, đánh giá những thành tựu đạt được trong nghiên cứu và biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam và trên thế giới trong kỷ nguyên kỹ thuật số; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định phương hướng phù hợp với thực tiễn nhằm biên soạn các công trình từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam trong tương lai.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh việc nghiên cứu và biên soạn các công trình tra cứu trong kỷ nguyên kỹ thuật số: bao gồm những vấn lý luận về từ điển học và bách khoa thư học trên thế giới và ở Việt Nam: lý thuyết, trường phái, xu hướng, trào lưu… trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Các đại biểu còn cung cấp các thông tin tri thức về lý thuyết và thực tiễn biên soạn từ điển và bách khoa thư trong bối cảnh chuyển đổi số, gợi mở những hướng tiếp cận trong biên soạn các công trình tra cứu ở Việt Nam.

Những yếu tố tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam đã được các tác giả đề cập như: Từ điển điện tử - sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử từ điển học; xu hướng chuyển đổi từ xuất bản giấy sang xuất bản trực tuyến các công trình từ điển và bách khoa thư: Một số vấn đề từ thực tiễn; một số vấn đề lý luận cơ bản về từ điển thuật ngữ trong kỷ nguyên kỹ thuật số; biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành trong kỷ nguyên kỹ thuật số; Từ điển kỹ thuật số - sản phẩm của kỷ nguyên số.../.

Lý Thanh Hương

Xem thêm