Môi trường

Ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương: *Bài 1: Hành động thực tế giảm thiểu rác thải nhựa

Các cấp, các ngành, tổ chức, cộng đồng thực hiện nhiều hoạt động hướng về môi trường, qua đó tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ và phục hồi môi trường biển và hải đảo, vì một hành tinh xanh.

Rác thải nhựa mang theo các loại hóa chất chất độc hại ảnh hưởng xấu đến các sinh vật biển và sức khỏe của con người. (Ảnh: Nguyễn Thành /TTXVN)

TTXVN - Nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó điều nhức nhối nhiều quốc gia quan tâm là rác thải nhựa đại dương; khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững. Đây cũng là thông điệp cảnh báo về ô nhiễm nhựa của Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6)và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ 1-8/6) năm 2023. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết "Ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương".

*Bài 1: Hành động thực tế giảm thiểu rác thải nhựa

Các hoạt động nhân Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường diễn ra từ ngày 1/6 đến nay do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động với chủ đề chính là “Chống ô nhiễm nhựa” đã được các địa phương trên cả nước hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực. 

Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

* Tuyên truyền chống rác thải nhựa trên biển

Trong tuần lễ, Tháng hành động vì môi trường, các cấp, các ngành, tổ chức, cộng đồng thực hiện nhiều hoạt động hướng về môi trường, qua đó tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ và phục hồi môi trường biển và hải đảo, vì một hành tinh xanh. 

Mới đây, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đề nghị, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh tập trung tổ chức các chuỗi hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo nói riêng; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; thu gom và tái chế rác thải nhựa, túi nilon.

Ra quân làm sạch biển tại làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, điển hình như hoạt động tàu thu gom rác thải nhựa trên sông Cần Thơ, thuyền thu gom rác thải nhựa khu vực chợ nổi Cái Răng và khu vực Cồn Sơn (quận Bình Thủy)…  Chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm kêu gọi sự đoàn kết của toàn thể cộng đồng tham gia gìn giữ, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy và khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa truyền thống. 

Cũng trong những ngày này, tỉnh Ninh Bình kêu gọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng hành động thiết thực như: Nói không với túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới là sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta, thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu, kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. 

* Nhiều hành động thiết thực

Từ nhiều năm nay, các địa phương trên cả nước đã thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa biển.

Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã triển khai chương trình "Cô Tô nói không với rác thải nhựa" từ tháng 9/2022, đem lại nhiều hiệu quả với việc tuyên truyền cho người dân, du khách, doanh nghiệp về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không dùng túi nilon và đồ nhựa sử dụng một lần, đặc biệt là khuyến nghị du khách không mang túi nilon ra đảo. Các túi nhựa hoặc sản phẩm nhựa dùng một lần, nếu có thể thay thế, đều được đổi thành các loại túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Các đoàn viên, thanh niên, nhà tàu, điểm soát vé... sẽ vận động, tiến hành đổi, thay thế các loại túi, chai nhựa cho du khách.

Cô Tô đã lắp đặt hàng chục thùng rác công cộng tại các bãi tắm, chợ, điểm công cộng. Chính quyền huyện đã cấp kinh phí mua 1.000 chiếc làn nhựa cấp phát miễn phí cho các hộ dân nhằm giảm việc sử dụng túi nilon; ngoài ra còn mua, cấp đổi 3,2 tấn túi thân thiện cho các hộ kinh doanh tại trung tâm thương mại của huyện; mua 650kg túi phân loại rác thải để giới thiệu cho người dân trên đảo…

Người dân chung tay thu gom rác thải ven biển. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

 

Một trong những hành động đáng chú ý của cá nhân giúp thay đổi ứng xử của nhiều người đối với rác thải nhựa đại dương là lời kêu gọi “Tử tế với Sa Cần” của anh Huỳnh Văn Thương (thành phố Quảng Ngãi) đã thu hút phụ nữ, đoàn viên thanh niên, Bộ đội Biên phòng, người dân địa phương..., cùng nhau thu dọn túi nilon, rác thải nhựa để trả lại bờ biển cát vàng đẹp đẽ cho xã Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ý tưởng của anh Huỳnh Văn Thương thành công, giúp người dân hình thành thói quen tốt, ứng xử đúng với rác sinh hoạt do mình xả ra. Không chỉ dự án "Tử tế với Sa Cần", anh Thương cùng cộng sự đang thực hiện nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như “Tử tế với Sa Kỳ", "Tử tế với Mỹ Khê”. 

Tại tỉnh Bình Định, từ tháng 8 - 10/2022, UBND thành phố Quy Nhơn triển khai thí điểm Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn” tại 4 xã, phường gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng. Từ khi dự án được thực hiện, những hộ dân sinh sống ở xã Nhơn Hải đã dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và coi đó như một thói quen. Chị Trần Tố Uyên, chủ một nhà hàng tại đây cho biết, phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen. Người dân có ý thức hơn, không xả rác bừa bãi như trước nữa. Việc kinh doanh trở nên thuận lợi, thu hút được nhiều khách du lịch hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND Xã Nhơn Hải thông tin, đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn. Môi trường, cảnh quan của xã ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đây là một trong những tiêu chí giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Cũng tại vịnh Quy Nhơn, mô hình "Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa" ở xã đảo Nhơn Châu được triển khai với lực lượng nòng cốt là Đội Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường Đảo Cù Lao Xanh. Định kỳ 2 lần/tuần (thứ 5 và Chủ nhật), các thành viên đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọc các bờ biển, khách du lịch tham quan bỏ rác đúng nơi quy định; phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; ra quân làm sạch biển và các hoạt động bảo vệ môi trường trên đảo... 

Tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, "Ngày hội sống xanh" được tổ chức với nhiều hành động thiết thực như giao lưu, tìm hiểu kiến thức cũng như được tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường. Nhiều gia đình mang theo con nhỏ đến trải nghiệm các chương trình, như đổi vỏ nhựa, rác thải điện tử lấy quà... Sau khi kết thúc hoạt động, rác thải sẽ chuyển đến nhà máy tái chế. Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm rác nhựa, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho biết, "Ngày hội sống xanh" tại Kiên Giang, góp một phần công sức, tạo nên một không gian cho tất cả các bên liên quan cùng giao lưu, học hỏi các thông tin về chính sách pháp luật, các mô hình quản lý, xử lý rác hiệu quả, mà còn là nơi để mỗi người có thể thực hành các giải pháp chống ô nhiễm nhựa, lan tỏa mạnh mẽ hơn các thông điệp sống xanh./.

Hoàng Nam

Ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương: *Bài 2: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên

Tin liên quan

Xem thêm