Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển ở một số địa phương Nam Trung Bộ đã và đang gây tác động xấu đến hệ sinh thái, phát triển kinh tế xã hội.
TTXVN - Phát huy lợi thế về biển, các tỉnh Nam Trung Bộ đã “bứt phá” vươn lên trở thành khu vực phát triển năng động về hạ tầng, nhất là hạ tầng về kinh tế, dịch vụ, du lịch ven biển. Nơi đây còn là “vựa” nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản lớn của cả nước.
Cùng với phát triển, vùng biển và ven biển Nam Trung Bộ đang "hứng" lượng rác thải nhựa rất lớn từ sinh hoạt, sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển ở một số địa phương Nam Trung Bộ đã gây tác động xấu đến hệ sinh thái, phát triển kinh tế xã hội, cần có những giải pháp đồng bộ giảm thiểu, đẩy lùi vấn nạn "ô nhiễm trắng".
Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đề cập nội dung này qua chùm 3 bài viết với chủ đề: Cộng đồng chung tay đẩy lùi "ô nhiễm trắng".
Bài 1: Nhức nhối rác thải nhựa
Các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) có đường bờ biển dài 837 km với đội tàu gần 17.000 chiếc. Hàng chục cửa biển, đầm, vịnh dọc bờ biển đã tạo một hệ sinh thái ven bờ phong phú đa dạng là điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khu vực này cũng là hạ nguồn của các dòng sông và trở thành “bể hứng” rác thải từ nhiều nguồn, gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ven biển.
*Môi trường biển bị xâm hại
Quảng Ngãi có 6 cửa biển, mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Sa Huỳnh trở thành điểm "nóng" bởi rác thải nhựa. Bãi trước bờ biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi bị bủa vây bởi hàng tấn rác thải đủ loại như túi nilon, xốp, vải vụn, xác chết động vật... kéo dài đến 500m. Nước biển khu vực ven bờ bốc mùi khó chịu.
Theo bà Nguyễn Tình, thôn An Vĩnh, rác thải sinh hoạt của người dân theo các dòng sông đổ về cửa biển Sa Kỳ, một phần bị cuốn ra biển, phần còn lại chìm xuống nước, hoặc bị thủy triều kéo dạt vào bờ biển thôn An Vĩnh. Vào ban đêm, nhiều hộ dân lén lút đổ rác ra biển. Hàng ngàn túi nilon từ các tàu cá ở Cảng cá Sa Kỳ không được thu gom mỗi ngày thải trực tiếp xuống biển.
Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Vốn là làng chài cổ có vẻ đẹp bình dị, nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió. Nơi đây thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm. Các hoạt động dịch vụ du lịch nở rộ. Tuy nhiên, việc xả rác thải sinh hoạt bừa bãi của người dân địa phương đã vô tình làm ô nhiễm bãi biển trong xanh ở đây, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, sinh kế của người dân. Nhất là mùa gió bão, thủy triều lên, rác thải trôi dạt vào phủ kín bờ biển... Chịu thiệt thòi nhất vẫn là những hộ chuyên khai thác tôm hùm giống - loại hải sản có giá trị kinh tế cao, bởi lẽ, nghề này chỉ chờ nước biển dâng mới làm ăn được. Thay vì những mẻ lưới đóng đầy tôm hùm giống thì lại đầy rác.
Tại Khu phố Dân Phước và khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) trong nhiều năm qua, bờ biển nơi đây vẫn tồn tại hàng chục tấn rác thải nhựa, chủ yếu là bao nilon, xốp, chai nhựa, sắt thép hoen rỉ… bị sóng biển tấp vào bờ, nằm dài gần 2km và bốc mùi hôi thối. Kèm với đó, nước thải từ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản cũng đổ ra đây. Điều đáng nói, khu vực này nằm ngay sát khu dân cư với hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng lượng rác thải không được thu gom, xử lý hằng ngày mà để tồn đọng trong thời gian dài.
*Nhiều hệ lụy
Môi trường ven biển nhiều nơi ở Nam Trung Bộ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải nhựa. Những hệ lụy từ "ô nhiễm trắng" đang tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái và chính đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư ven biển.
Anh Huỳnh Đăng Khoa, người dân sinh sống tại khu phố Dân Phước (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) cho biết, rác thải nhựa từ biển trôi dạt vào bờ lâu ngày tồn đọng lại thành những bãi rác. Tuy nhiên, việc thu gom không được cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện mà chỉ thỉnh thoảng được Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thu dọn. Một số hộ dân thiếu ý thức đem rác thải sinh hoạt ra đổ tại khu vực này càng khiến nơi đây trở nên ô nhiễm. Mùa hè nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên khiến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực bị đảo lộn.
Tại Khánh Hòa, hầu hết các cảng cá như Vĩnh Lương, Vĩnh Trường (thành phố Nha Trang), đảo Bình Ba (xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh) và một số vùng nuôi trồng thủy sản trên biển ở huyện Vạn Ninh đều có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước. Ô nhiễm rác thải nhựa khiến việc nuôi tôm hùm, cá biển và các loại thủy sản khác ngày càng khó khăn. Chỉ tính riêng xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh với 821 hộ, khoảng 27.254 lồng nuôi thủy sản cùng hơn 2.000 lao động, lượng rác thải nhựa xả ra hàng ngày rất lớn. Mỗi đợt cao điểm có thể gom được khoảng 1 tấn rác thải nhựa trên biển. Lượng rác thải nhựa lớn, song công tác thu gom hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Năm 2018, vùng nuôi tôm hùm, cá bớp tại huyện Vạn Ninh xảy ra nhiều đợt tôm, cá chết liên tục. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan.
Ông Phạm Thành Thái, người nuôi tôm hùm lồng ở Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) chia sẻ, những năm trước, nghề nuôi tôm hùm, cá biển phát triển mạnh ở nơi đây. Lúc đầu có dịch bệnh trên tôm, hao hụt khoảng 20-30%, nay nuôi giỏi hao hụt vẫn trên 50%. Đối với cá biển, tỷ lệ hao hụt là 5:5.
Đặc biệt, gần đây, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng đang có biểu hiện của suy thoái, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rác thải nhựa. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm m2 rạn san hô biển Hòn Mun chết, phủ trắng một vùng. Độ phủ san hô vào 7 năm trước đạt hơn 50 %, đến năm 2021 chỉ còn dưới 10%. Hiện nay, theo khảo sát của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang, vẫn còn tình trạng rác thải phát sinh từ đất liền, khu vực đảo và các lồng bè nuôi thủy sản chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường vịnh Nha Trang. Hệ thống thu gom rác thải trong thành phố chưa hoàn chỉnh nên vẫn còn sự cố nước thải, rác thải chảy ra vịnh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và làm ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng 500 tấn/ngày đêm (chủ yếu tại các đô thị, khu dân cư tập trung). Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị trung bình đạt 75 - 80%. Việc thu gom, xử lý rác thải được giải quyết chủ yếu ở khu vực các đô thị và trung tâm các xã. Đối với vùng sâu, vùng xa, ven biển, việc xử lý còn hạn chế vì lượng rác thu gom còn ít.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên Đào Thị Kim Chi, tại khu vực ven biển và các vịnh, đầm tỉnh Phú Yên đã tích tụ một khối lượng lớn rác thải, trong đó có rác thải nhựa từ hoạt động tàu thuyền, du lịch trên biển, nuôi trồng thủy sản ở đầm, vịnh và từ hoạt động dân sinh trên đất liền. Điều này đã làm cho môi trường biển bị xâm hại, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, nghiêm trọng hơn nữa là sinh kế của người dân./.
- Từ khóa:
- Cộng đồng
- chung tay
- đẩy lùi
- ô nhiễm trắng
- rác thải nhựa