Việc xây dựng ngày càng nhiều tuyến đường, hẻm đạt tiêu chí “Sạch ngõ” tuyến đường “Văn minh - mỹ quan đô thị” sẽ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Thành phố luôn xanh, đáng sống, văn minh - hiện đại - nghĩa tình...
TTXVN - Tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy về xây dựng khu phố, ấp “xanh, sạch và an toàn” và phong trào “Chống rác thải nhựa” đã diễn ra ngày 4/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự kiện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp.
Tại tọa đàm, đông đảo các đại biểu đã cam kết tăng cường các hoạt động phong trào trong thời gian tới; đổi mới tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cùng hành động và phát huy cách làm hay, mô hình hiệu quả để làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường.
Các đại biểu đã đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong thực hiện xây dựng khu phố, ấp “xanh, sạch và an toàn” và phong trào “Chống rác thải nhựa”; trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Các đại biểu thảo luận và đề xuất giải pháp thực hiện để đến cuối năm 2023, toàn Thành phố có 1.000 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp, 22 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí sạch - đẹp; phấn đấu đến cuối năm 2025 có 2.000 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp, 50 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí sạch - đẹp.
Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Văn Nghĩa chia sẻ: Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam), gây hậu quả nặng nề. Nguyên nhân là do môi trường ngày càng bị ô nhiễm, do đó bảo vệ môi trường là việc làm thiết thực của mỗi tổ chức, mỗi người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thiếu rất nhiều cây xanh, nhiều nơi chưa thật sự sạch, đẹp. Đó là do một số tổ chức, cá nhân chưa thực sự chấp hành nghiêm pháp luật liên quan đến môi trường; các ngành chức năng chưa mạnh dạn xử lý, xử phạt hành vi vi phạm…
Để khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Văn Nghĩa cho rằng, mỗi tổ chức, cá nhân cần có văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong các phong trào bảo vệ môi trường. Các tổ chức đoàn thể cần nâng cao vai trò, huy động nguồn lực cộng đồng để ưu tiên giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, ông Cao Hồng Thắng, đại diện Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mỗi tổ chức, cá nhân cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường; cải tạo, xóa bỏ các tụ điểm rác; vận động người dân trồng thêm hoa tại sân vườn, bờ rào, đường đê nhằm tạo không gian xanh tươi mát, thoáng đãng tại khu vực.
Mỗi tổ chức đoàn thể cần xây dựng mới hoặc nâng chất lượng mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; lắng nghe ý kiến phản ánh liên quan đến vệ sinh môi trường. Các gia đình, cá nhân phối hợp với cơ quan chức năng tham gia thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác; xã hội hóa lắp đặt camera an ninh để giám sát về môi trường, việc giao nhận rác, xử lý kịp thời người vứt rác, đổ rác không đúng nơi quy định…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Thị Mai Anh chia sẻ về việc nâng cao ý thức đoàn viên người lao động không xả rác nơi sinh hoạt, bỏ rác đúng nơi quy định; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn “ Mắt thấy rác – Tay nhặt liền”. Công đoàn cơ sở cần thực hiện tại đơn vị có hai thùng rác để phân loại rác tại nguồn đảm bảo yêu cầu; chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt 4 tiêu chuẩn văn hóa...
Bà Đoàn Thị Mai Anh đề xuất việc khuyến khích, động viên đoàn viên, người lao động có cách thức mới, sáng tạo; vận động người thân, người dân xung quanh tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chăm sóc bảo vệ và trồng cây xanh, thực hiện thu gom rác, phân loại rác thải tại nguồn...
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất các giải pháp hiệu quả trong phối hợp nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn viên, hội viên và người dân. Theo bà, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng cần có những hành động thiết thực, đóng góp cụ thể trong cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, chống rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn.
Việc xây dựng ngày càng nhiều tuyến đường, hẻm đạt tiêu chí “Sạch ngõ” tuyến đường “Văn minh - mỹ quan đô thị” sẽ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Thành phố luôn xanh, đáng sống, văn minh - hiện đại - nghĩa tình.../.