Ban Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh tổ chức Tọa đàm chủ đề “Ươm tạo công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”, với sự tham gia của đông đảo sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
TTXVN - Chiều 5/3, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Ban Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh tổ chức Tọa đàm chủ đề “Ươm tạo công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”, với sự tham gia của đông đảo sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia khởi nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt cho sinh viên về khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và động lực phát triển; giải pháp hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương và tầm nhìn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Hưng Yên…
Giảng viên Vũ Thị Thắng, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh cho rằng, việc khởi nghiệp của sinh viên ở các nhà trường mới chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng hoặc chỉ gói gọn trong quy mô cấp trường, chưa được quan tâm, phát triển thành các dự án khởi nghiệp lớn; cần có sự liên kết, chia sẻ giữa sinh viên của các trường cao đẳng, đại học về các ý tưởng khởi nghiệp; đồng thời nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp để các em hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở các trường đại học, cao đẳng, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn Lý Đình Quân cho rằng, tại các nhà trường, quá trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng, quyền tự chủ của nhà trường bị hạn chế, nhất là mặt tài chính, nhân lực và đầu tư. Các nhà trường cần tạo ra môi trường sáng tạo, chất lượng; thu hút các nguồn lực để hỗ trợ giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học; đồng thời hợp tác, liên kết các nguồn lực nhằm kiến tạo môi trường khởi nghiệp thân thiện, an toàn.
Theo ông Lý Đình Quân, về lâu dài, tỉnh Hưng Yên cần xây dựng cộng đồng khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ; hỗ trợ các lực lượng trẻ và phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng các cơ chế chính sách, các đề án chương trình chuyên sâu đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp. Cùng đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các sự kiện, chương trình khởi nghiệp địa phương; tăng cường với các trường đại học, viện nghiên cứu; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương…
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh, xác định vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là kinh tế số, dịch vụ, logistics.
Tỉnh có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ sử dụng có hiệu quả đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nâng cao chất lượng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, tỉnh tổ chức các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới trong và ngoài tỉnh, kết nối các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các chuyên gia, cố vấn, quỹ đầu tư, thị trường thông qua các diễn đàn, hội thảo…
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tháng 11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, với các lĩnh vực khởi nghiệp công nghiệp và khởi nghiệp với mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỉnh khuyến khích các ý tưởng, giải pháp, mô hình, dự án dự thi có sản phẩm cụ thể và gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương. Thời gian tiếp nhận hồ sơ dự thi từ 15/12/2023 đến hết ngày 19/3/2024./.
- Từ khóa:
- Hưng Yên
- công nghệ
- tương lai
- chuyên gia
- khởi nghiệp
- sáng tạo