Vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” được tổ chức tại Đông Hà, Quảng Trị.
TTXVN - Ngày 6/6, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (6/6/1973 - 6/6/2023).
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội thảo.Tham dự còn có hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành và các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử.
Đây là lần đầu tiên có hội thảo riêng về vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tổ chức ở quy mô cấp Bộ. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 tham luận của các nhân chứng lịch sử và nhà khoa học.
Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đến sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Những dấu ấn nổi bật của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị; Đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đối với những hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được bàn giao cho cơ quan dân sự quản lý. Trụ sở được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Đến năm 2007, nhiều hạng mục quan trọng của di tích được trùng tu tôn tạo. Khu Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương và để xứng đáng là vùng đất được chọn làm nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã và đang nỗ lực phấn đấu khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, động lực phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhằm đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao năm 2025 và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Đảng bộ tỉnh từng được tôi luyện qua thử thách, phải thực sự là hạt nhân, đầu tàu, là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa Quảng Trị bứt phá đi lên...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Hồng Hạnh, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sự ra đời Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam là bước phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam trong quá trình giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và hoàn chỉnh hệ thống chính quyền, tạo điều kiện cho các tầng lớp yêu nước tham gia chính quyền. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong việc động viên, cổ vũ quân và dân hai miền Bắc - Nam quyết tâm chiến đấu, giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đáp ứng đòi hỏi cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris phải có một Chính phủ đại diện cho nhân dân miền Nam nhằm nâng cao hơn nữa vị trí, địa vị pháp lý của chính quyền cách mạng tại hội nghị này và trên trường quốc tế.
Sau Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tỉnh Quảng Trị hình thành hai khu vực khác nhau. Đó là vùng giải phóng chiếm 85% diện tích tiếp giáp miền Bắc xã hội chủ nghĩa; vùng tạm thời bị địch kiểm soát chỉ còn 15% diện tích. Quảng Trị lúc này có vai trò chiến lược về chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (sau này là khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hoạt động tại đây từ năm 1973 - 1975. Ngày 6/6/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt trước hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Quảng Trị./.