Chủ đề chất vấn lần này tập trung vào 2 nhóm vấn đề đang được đông đảo cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Ninh quan tâm, đó là: công tác chuyển đổi số và công tác tư pháp.
TTXVN – Ngày 7/12, tiếp tục diễn ra các nội dung chất vấn, trả lời chất vấn đối với vấn đề cử tri tỉnh Bắc Ninh quan tâm tại Kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
* Thu hút lực lượng có chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác pháp chế
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Trần Đăng Sâm trả lời chất vấn với các câu hỏi thuộc 4 nhóm vấn đề: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật của địa phương; quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; công tác bổ trợ tư pháp (công chứng, đấu giá, giám định tư pháp, luật sư).
Theo đại biểu Bùi Thanh Hương, Tổ đại biểu khu vực thị xã Quế Võ, tại một số nơi, cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh trong công tác tham mưu xây dựng thể chế, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa.
Giám đốc Sở Tư Pháp thừa nhận có tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính là do năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ còn hạn chế, có những vấn đề chưa nhìn ra, lười suy nghĩ và không dám làm. Việc hệ thống pháp luật liên quan còn bất cập, chồng chéo hoặc chưa được bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn, dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, cần sửa đổi quy định pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân để khắc phục tình trạng trên; đồng thời luật hoá chủ trương của Đảng bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu.
Giám đốc Sở Tư pháp cho biết về giải pháp tổng thể, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; cần có các văn bản quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác pháp chế. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành các văn bản quy định cụ thể nhằm ưu tiên nguồn nhân lực trong công tác này, thu hút lực lượng có chuyên môn luật, có kinh nghiệm công tác đảm đương nhiệm vụ; đồng thời, cần tập huấn, nâng cao trình độ và chọn người, nhìn người để phân việc cho phù hợp.
* Chuyển đổi số phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành các nội dung chất vấn với 19 câu hỏi của 10 đại biểu về vấn đề xây dựng thành phố thông minh, Tổ công nghệ số cộng đồng, quản lý báo chí, quản lý mạng xã hội, xây dựng chính quyền số.
Trả lời câu hỏi về kết quả việc triển khai ứng dụng phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết phản ánh, kiến nghị trong thời gian tới của ông Nguyễn Huy Chiến, đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Bắc Ninh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trung Hiền cho biết: Việc triển khai ứng dụng phản ánh kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh là một sáng kiến có ý nghĩa, giúp chính quyền cơ sở kịp thời lắng nghe, kịp thời xử lý các vấn đề ngay từ khi mới nảy sinh, giảm thiểu những vấn đề tích tụ phức tạp. Đến nay, hệ thống được triển khai và cấp tài khoản tới hơn 200 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với hơn 1.500 tài khoản và 33 lĩnh vực phản ánh kiến nghị; đã tiếp nhận gần 6.000 phản ánh ở 33 lĩnh vực, số phản ánh đã được xử lý hơn 5.400, chiếm 96%.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh đề nghị, thời gian tới, người dân khi phản ánh, kiến nghị cần tuân thủ Quy chế tiếp nhận, xử lý trên ứng dụng phản ánh kiến nghị tỉnh Bắc Ninh; các sở, ngành và UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý phản ánh kiến nghị thuộc lĩnh vực hoặc địa phương mình; những phản ánh vi phạm Quy chế sẽ không được cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý. Cán bộ thực hiện cần xử lý phản ánh, kiến nghị có trách nhiệm, theo đúng quy chế.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Ngọc (đại biểu khu vực thành phố Bắc Ninh) chất vấn nội dung phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trong quá trình chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ năm 2022, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp thôn trên địa bàn tỉnh (733/733 thôn) với hơn 3.200 thành viên. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, tổ dân phố; lắng nghe, tổng hợp ý kiến người dân về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, hiện nay hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính về việc hỗ trợ kinh phí cho các Tổ công nghệ số cộng đồng chưa có nên tỉnh chưa có căn cứ triển khai; nhiều thành viên trong tổ do điều kiện khó khăn nên chưa tự trang bị cho mình các thiết bị thông minh, điện thoại thông minh, sử dụng mạng internet, 3G/4G, gặp khó khăn trong bồi dưỡng, tập huấn cũng như tuyên truyền, phổ biến cho người dân.
Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương cần vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế chuyển đổi số và các điều kiện đặc thù của địa phương, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”; mua sắm trực tuyến gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy; thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tránh bị lừa đảo mất tiền, gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân…./.