Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử: * Bài 3: Kiến nghị đúng - khả thi cao
Để kết luận giám sát được thực hiện hiệu quả, chủ thể giám sát buộc phải thận trọng và cân nhắc hơn trong việc đưa ra các kiến nghị, kết luận có liên quan.
TTXVN - Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đặt ra yêu cầu HĐND các cấp phải giám sát kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của mình. Để kết luận giám sát được thực hiện hiệu quả, chủ thể giám sát buộc phải thận trọng và cân nhắc hơn trong việc đưa ra các kiến nghị, kết luận có liên quan. Bởi lẽ, nếu cẩu thả và thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, những kết luận, kiến nghị giám sát thiếu chính xác, thiếu tính khả thi sẽ là “tấm gương phản chiếu” cho sự hời hợt.
* Lắng nghe nguyện vọng của cử tri
Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), HĐND huyện đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề; đồng thời, tiến hành chất vấn, lắng nghe và đi đến cùng vấn đề, kiên quyết đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Điển hình là vụ việc xảy ra vào năm 2018, khi chính quyền xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) để mất 20 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của 20 hộ dân. Các hộ dân này đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị được cấp lại. Sau chất vấn tại hai kỳ họp HĐND huyện, các cơ quan có trách nhiệm đã tích cực tìm giải pháp tháo gỡ. Gần 2 năm sau, các hộ dân xã Lam Điền đã được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một vụ việc khác cũng tại huyện Chương Mỹ, cử tri xã Trung Hòa phản ánh và đề nghị HĐND huyện giải quyết triệt để vướng mắc về hệ thống điện dân sinh. HĐND huyện đã tiến hành giám sát và kết luận, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thi là đơn vị hợp đồng cung cấp điện đã không tổ chức đầu tư, nâng cấp hệ thống cột, đường điện, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sau khi khảo sát, chất vấn, HĐND huyện đã đưa ra kết luận và cùng với các đơn vị chức năng buộc Công ty phải đầu tư nâng cấp hệ thống điện dân sinh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho rằng, khi tiếp nhận nguyện vọng của cử tri, trước tiên, đại biểu HĐND cần chắt lọc, phân tích, đưa ra những nhận định chính xác về bản chất vụ việc, để khi đưa vào giám sát và kiến nghị mới có tính khả thi cao.
Cách Hà Nội hơn 80 km, tại tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra vụ việc người dân yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mất nhiều năm chưa thực hiện được. Vụ việc xảy ra vào cuối năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên nhận được ý kiến kiến nghị của cử tri tổ 28, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ (nay là tổ 11, phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên) phản ánh: Các hộ dân tại khu vực này đã làm nhà ở và sinh sống ổn định từ năm 1960, không có tranh chấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do nằm trong vành đai an toàn khai thác của mỏ đá Núi Voi. Cử tri đề nghị, tỉnh xem xét điều chỉnh vành đai an toàn khai thác và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức giám sát chuyên đề về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Thường trực HĐND tỉnh từ Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII đến thời điểm giám sát (Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIII). Qua giám sát, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cho rằng, các hộ dân này không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã tham mưu văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần cơ điện Luyện kim Thái Nguyên (đơn vị được cấp quyền khai thác mỏ đá Núi Voi) xây dựng phương án thu hẹp khu vực khai thác hoặc lập phương án di dời các hộ dân.
Trước quan điểm này, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên xác định, nguyện vọng của cử tri là chính đáng, trách nhiệm giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thuộc về các cơ quan Nhà nước. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã kiên trì giám sát qua nhiều năm, làm việc với nhiều chủ thể khác nhau từ doanh nghiệp đến UBND phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, UBND tỉnh. Sau gần 5 năm, đến năm 2021, 30/31 hộ sinh sống tại khu vực này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ còn duy nhất một gia đình không đủ điều kiện (không phù hợp quy hoạch).
* Thận trọng ban hành kiến nghị
Bà Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, với việc Nghị quyết 594 quy định chặt chẽ về việc giám sát kết quả thực hiện kết luận giám sát buộc chủ thể giám sát phải cân nhắc, xem xét, đánh giá sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả mang lại của từng kiến nghị, giảm kiến nghị mang tính định tính, tăng kiến nghị mang tính định lượng. Do đó, các đoàn giám sát của HĐND các cấp cần thận trọng hơn, minh bạch và quyết liệt hơn trong triển khai các hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, trong hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban HĐND, việc tổ chức khảo sát nhằm làm sáng tỏ các nội dung giám sát là cơ sở ban đầu, định hướng cho giám sát; cung cấp số liệu, có thêm nhiều thông tin thực tế, tạo thêm “mắt xích” để xâu chuỗi các dữ liệu giám sát. Đặc biệt, khảo sát còn nhằm dự báo trước kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát về nội dung đang giám sát. Các ý kiến, kiến nghị, hình ảnh ghi được trong quá trình khảo sát chính là trực quan minh họa sinh động, dữ liệu hữu ích và là căn cứ để kết luận giám sát. Để hoạt động khảo sát hiệu quả, cần đến tận nơi, “đến tận ngõ gõ tận cửa” của hiện trường thực tế liên quan đến nội dung vấn đề khảo sát, đối chiếu với những thông tin đã có, thêm luận cứ để đưa ra kết luận xác đáng.
Quá trình giám sát, chất lượng thành viên đoàn giám sát có chuyên môn rất cần thiết. Sự có mặt của đại biểu tại địa phương có ý nghĩa bởi những đại biểu này nắm rất rõ tình hình thực tế của địa phương, giúp đoàn giám sát nắm bắt kịp thời tình hình, trên cơ sở đó đánh giá đúng những kết quả đạt được và những khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc. “Từ đó, đưa ra các kiến nghị sau giám sát có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm dựa trên những tồn tại, hạn chế và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này sẽ khiến các đối tượng được giám sát sẵn sàng tiếp thu và tự nguyện giải quyết”, bà Mai Thị Thúy Nga nhấn mạnh.
Có thể thấy, các cuộc giám sát thành công đều bắt đầu từ việc nắm chắc thông tin và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đoàn giám sát phải có đủ năng lực, trình độ và có sự phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiến hành giám sát, có bộ phận giúp việc có kinh nghiệm chuyên sâu… Kết luận sau giám sát là một quá trình xem xét, đối chiếu từ quy định của pháp luật đến thực tế của địa phương. Kết luận giám sát phải để đối tượng được giám sát tâm phục, khẩu phục. Sau giám sát, nếu thấy cần thiết thì tái giám sát, theo sát đến cùng việc; vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, vừa nâng cao uy tín, vị thế của HĐND.
Để kết luận giám sát được thực hiện nghiêm túc đòi hỏi cần có chế tài đối với cả chủ thể bị giám sát (nếu không thực hiện), chủ thể tiến hành giám sát (nếu ra kết luận sai, gây thiệt hại). Các chế tài này cần được đặt dưới sự giám sát chung của nhân dân./. (còn nữa)
Bài 4: Không “đóng dấu” xác nhận cho cái sai (TTXVN 3/12)