Hội nhập

Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn thể các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á - Thái Bình Dương năm 2022

Hà Tĩnh

Từ ngày 6-10/6/2022, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các đối tác quốc tế và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 tại Việt Nam (AAPTC).

Sáng 7/6, lễ khai mạc Hội nghị và Hội thảo đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế.

 Dẫn đầu đổi mới sáng kiến hành động vì hòa bình

Với chủ đề "Dẫn đầu đổi mới: Hành động của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ủng hộ Sáng kiến Hành động vì hòa bình của Liên hợp quốc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc", Hội nghị và Hội thảo lần này nhằm tạo diễn đàn kết nối sức mạnh chung giữa các quốc gia thành viên của Hiệp hội sau những năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh; cùng nhau cập nhật, trao đổi, học hỏi bài học kinh nghiệm, "chấn chỉnh lại nguồn lực" nhằm ủng hộ Chương trình Hành động vì hòa bình của Liên hợp quốc (A4P) và Hành động vì gìn giữ hòa bình mở rộng (A4P +).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. 
Ảnh: TTXVN phát 

Đây cũng là dịp khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - nước Chủ tịch và Chủ nhà Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương đương nhiệm, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nước thành viên trong khu vực.

Hội nghị và Hội thảo lần này cũng góp phần quảng bá về thành quả, đóng góp của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác xây dựng, nâng cao năng lực cho các cơ sở huấn luyện gìn giữ hòa bình trong khu vực thông qua chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm, nguồn lực và phối hợp đồng bộ các hoạt động trao đổi huấn luyện gìn giữ hòa bình để chuẩn bị lực lượng tham gia hiệu quả hơn vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đồng thời, Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực tổ chức các sự kiện gìn giữ hòa bình quốc tế, hiện thực hóa chủ trương xây dựng cơ sở huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, cũng như tăng cường hiểu biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác trong lĩnh vực này với các nước thành viên Hiệp hội, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về gìn giữ hòa bình.

Trong chương trình nghị sự, Hội nghị sẽ tiến hành các phiên họp toàn thể, thảo luận chung tại hội trường và thảo luận nhóm với những nội dung chính như: Phát biểu của đại diện các cơ quan chuyên môn gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về những yêu cầu, thách thức đối với việc nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo Sáng kiến Chương trình hành động vì hòa bình (A4P) của Liên hợp quốc; Báo cáo cập nhật của từng Trung tâm Gìn giữ hòa bình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về bài học kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tổ chức huấn luyện và chuẩn bị triển khai lực lượng trước tình hình dịch COVID-19 và đề xuất sáng kiến nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các đại biểu sẽ tham gia Phiên thảo luận về các vấn đề trọng tâm trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: An ninh, an toàn đối với nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; về tăng cường sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình; bảo vệ dân thường; khóa huấn luyện Nhân viên điều tra của quốc gia cử quân; quan hệ với truyền thông; vấn đề bom mìn, vật liệu nổ; hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác nâng cao xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình…

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị và Hội thảo cũng diễn ra Phiên thảo luận của Chỉ huy các Trung tâm Gìn giữ hòa bình nhằm đánh giá các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quá trình xây dựng năng lực thông qua các quan hệ đối tác, công tác đào tạo và kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ về gìn giữ hòa bình, Chương trình Đối tác ba bên hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai nhanh... và Phiên thảo luận của Nhóm giảng viên, cán bộ huấn luyện nhằm đánh giá nhu cầu huấn luyện, chia sẻ nguồn lực hợp tác huấn luyện (giảng viên, chuyên môn, tài liệu…), xác định phương thức, xây dựng kế hoạch huấn luyện tăng cường hợp tác, hỗ trợ chia sẻ nguồn lực huấn luyện trong khu vực.

Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các văn kiện gồm: Thông cáo chung, Tuyên bố chung, Điều lệ sửa đổi bổ sung của Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời chuyển giao vai trò Chủ tịch Hiệp hội năm 2023 cho nước chủ nhà tiếp theo. Bên lề Hội nghị và Hội thảo sẽ diễn ra các hoạt động lễ tân, giao lưu, liên hoan chào mừng, chiêu đãi chính thức, tham quan văn hóa; các cuộc gặp song phương của các đoàn đại biểu...

Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương và Nước chủ nhà tổ chức Hội nghị toàn thể Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh Việt Nam mới chính thức gia nhập Hiệp hội cách đây 7 năm, đồng thời mới triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được 8 năm.

Những nỗ lực của chủ nhà Việt Nam và sự đóng góp của các quốc gia thành viên để tổ chức Hội nghị và Hội thảo lần này chính là minh chứng sinh động cho sự thích ứng nhanh chóng, hiệu quả của nước chủ nhà Việt Nam cùng Hiệp hội trong thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa kiểm soát an toàn dịch bệnh, vừa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đúng với tinh thần chủ đề của Hội nghị.

Khẳng định Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị lần này, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn cho rằng, đây là cơ hội quý báu để Việt Nam và các quốc gia thành viên Hiệp hội trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, biện pháp vượt qua khó khăn, nhất là các thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, qua đó tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn lực để đảm bảo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, chuẩn bị triển khai nhanh lực lượng và hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần thiết thực vào nỗ lực gìn giữ hòa bình chung của cộng đồng quốc tế.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương 2022, Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào cuối tháng 6/2014, với việc triển khai 2 sĩ quan đầu tiên đến Phái bộ tại Nam Sudan (UNMISS). Trên bình diện hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tiếp cận được các nguồn lực chung của Liên hợp quốc, các đối tác và tổ chức quốc tế về huấn luyện, xây dựng nâng cao năng lực, trong đó có các khóa huấn luyện ngoại ngữ và gìn giữ hòa bình trong và ngoài nước, trao đổi chuyên gia, hỗ trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị.

"Chúng tôi đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực này để chuẩn bị tốt nhất cho lực lượng triển khai tới các phái bộ. Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có cơ hội để tham gia vào các hoạt động đa phương để chia sẻ và áp dụng những bài học kinh nghiệm vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ trong môi trường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đầy thách thức", Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ tại các phái bộ, chất lượng đào tạo và khả năng sẵn sàng tiền triển khai được Việt Nam rất chú trọng. Chương trình huấn luyện của Việt Nam luôn bám sát theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn của Liên hợp quốc, chú trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên thực địa, các bài học kinh nghiệm và báo cáo tổng kết sau nhiệm kỳ công tác tại phái bộ.

Với những nỗ lực đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, Liên hợp quốc đã lựa chọn Việt Nam là nước cử quân đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tổ chức 3 khóa huấn luyện Công binh trong khuôn khổ Chương trình Đối tác 3 bên (TPP) – một mẫu hình thành công để tiếp tục tổ chức huấn luyện cho các nước cử quân khác.

Về năng lực hoạt động, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã thể hiện mức độ sẵn sàng cao, hoàn thành nhiệm vụ với mức độ đánh giá rất tích cực của Liên hợp quốc. Tầm nhìn của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là phát triển thành một cơ sở huấn luyện gìn giữ hòa bình chất lượng cao ở khu vực trong trung hạn.

Chào mừng đại diện các quốc gia thành viên và quan sát viên, Thiếu tướng Abu Saleh Mohammad Ridwanur Rahman, Chủ tịch Đoàn Thư ký Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh tính thiết thực, tầm quan trọng của các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị và Hội thảo lần này; đồng thời bày tỏ sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của các thành viên sáng lập Hiệp hội cũng như các đối tác - những người đã luôn nỗ lực, định hướng Hiệp hội phát triển tới tầm cỡ như hiện nay.

Kể từ khi thành lập, Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương luôn hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong lộ trình hành động. Các thành viên tích cực trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng gìn giữ hòa bình của mình thông qua việc chia sẻ cách làm hay và bài học kinh nghiệm; hiệp đồng chặt chẽ với các cơ sở huấn luyện gìn giữ hòa bình và đối tác.

Thiếu tướng Abu Saleh Mohammad Ridwanur Rahman cho rằng, Hội nghị và Hội thảo lần này là sáng kiến được đưa ra vào đúng thời điểm; bày tỏ hy vọng các chương trình sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các nước cử quân nói riêng và Hiệp hội nói chung trong việc thúc đẩy hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp, tuân thủ phương châm "Chung tay vì hòa bình thế giới".

Chủ tịch Đoàn Thư ký Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương kêu gọi các quốc gia thành viên Hiệp hội cùng nhau khám phá cơ hội mới và áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo trong quá trình khai thác nền tảng kỹ thuật số; xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để có thể bám sát mục tiêu, lộ trình hành động; xác định các ưu tiên chiến lược nhằm định hướng nhu cầu đào tạo dựa trên tính cấp thiết./.

Xem thêm