Việt Nam – đất nước của tự do tôn giáo: Nỗ lực thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người
Mỗi tôn giáo có hệ thống giáo lý, giáo luật và đường hướng hành đạo khác nhau, nhưng có chung điểm tương đồng ở tinh thần hòa hợp dân tộc, truyền thống yêu nước, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, đồng thời để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, những năm qua các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, tăng, ni và Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Với trách nhiệm và bổn phận của công dân đất nước, Trung ương Giáo hội và Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động tăng, ni, Phật tử tham gia tích cực công tác bầu cử; giới thiệu tăng, ni, Phật tử ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các đại diện thành viên của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương đều tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh, thành phố trung bình có từ một đến hai thành viên là tăng, ni tham gia; cấp quận, huyện và cấp phường, xã đều có các thành viên là tăng, ni hoặc cư sĩ tham gia.
Những cống hiến của tăng, ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thể hiện bức tranh chung của các tôn giáo, đó là luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hành đạo gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như lời của Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc):
Đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua Thư chung 1980: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” đã thể hiện lý tưởng đời tu của các tu sỹ Công giáo là dấn thân yêu thương và phục vụ tha nhân.
Theo Linh mục Phan Trọng Quang, Tổng Thư ký Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, người tu sỹ Công giáo luôn thể hiện tinh thần phục vụ tha nhân trong các hoạt động đem tình yêu thương đến với cộng đồng như một chứng từ sống động giữa lòng dân tộc, góp phần xoa dịu những đau khổ của người nghèo, người bất hạnh, người khuyết tật… và góp phần nhỏ bé trong việc chia sẻ gánh nặng với các cấp chính quyền trong việc an sinh xã hội.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (tháng 8/2022), Đầu sư Thượng Tám Thanh, Chưởng quản Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh cho biết, Hội thánh luôn giữ vững và phát huy tôn chỉ, mục đích trong việc tổ chức hành đạo, hướng dẫn đồng đạo chấp hành pháp luật Nhà nước, sống hiếu hòa, có nghĩa, có tình, từ trong thân tộc đến xã hội, có ý thức trách nhiệm với đồng bào, với dân tộc, làm tròn nghĩa vụ công dân theo phương châm “Tốt đời, Đẹp đạo - Nước vinh, Đạo sáng”.
Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh có hệ thống hành đạo gồm 430 họ đạo cơ sở (trong đó có 11 họ đạo ở nước ngoài, có trên 50 chức sắc, chức việc sinh sống và hành đạo ở Mỹ) với 4.623 chức sắc, 29.833 chức việc. Hội thánh đã có mối quan hệ giao lưu với nhiều tổ chức tôn giáo tại Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Australia.
“Những hoạt động và thành quả việc hành đạo của Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh đã góp phần minh định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam”, Đầu sư Thượng Tám Thanh khẳng định.
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được khẳng định thông qua nhiều bằng chứng sống động, từ việc công nhận tổ chức, đăng ký hoạt động, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, đến việc bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được mở cơ sở đào tạo, in ấn kinh sách, sinh hoạt giáo lý…
Đơn cử, từ năm 2018 đến năm 2020, có 12.144 phạm nhân là tín đồ của các tổ chức tôn giáo đang bị giam giữ, quản lý tại 10 trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó có 143 phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Riêng các trại giam quân đội đã tiếp nhận, quản lý và giam giữ 72 phạm nhân là tín đồ của các tổ chức tôn giáo. Các trại giam, tạm giam đều có tủ sách pháp luật, được bố trí lưu trữ kinh sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo.
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) cho biết, nhận thức việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho người chấp hành án không chỉ giúp họ hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, mà còn góp phần khẳng định thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tại các trại giam của Bộ Công an hiện nay đều có thư viện và được trang bị nhiều loại sách.
Trong tổng số 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào sử dụng tại thư viện 54 trại giam thuộc Bộ Công an, có 9 đầu sách là kinh sách, kinh thánh; 8 đầu sách thông tin chung về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử hình thành, tác động đến đời sống, xã hội của tôn giáo, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và vận động quần chúng tín đồ tôn giáo.\
“Tất cả tín đồ tôn giáo khi chấp hành án ở trại giam đều được tham gia đọc kinh sách. Hàng tuần vào ngày nghỉ, tất cả các phạm nhân sinh hoạt tôn giáo đều được lên thư viện đọc, mượn sách tôn giáo về để nghiên cứu, thực hiện tôn giáo của mình”, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Hoạt động này không chỉ góp phần thực thi pháp luật về tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người, mà còn thể hiện thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, truyền tải thông điệp Việt Nam luôn nỗ lực thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người.
Tự thân các tổ chức tôn giáo cũng nhận thấy rất rõ chính sách bảo đảm tự do tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, với những đánh giá xác đáng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trác, Ban Trị sự Trung ương Phật hội luôn giữ gìn sự trong sáng của mối đạo, luôn cảnh giác với các đối tượng thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhất là lợi dụng trên không gian mạng để kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết các tôn giáo. Thường trực Ban Trị sự Trung ương Phật hội cùng các ban chuyên môn giúp việc và chức sắc, chức việc,… luôn làm gương tuyên truyền, vận động tín đồ, người thân chấp hành tốt quy định của Giáo luật, Hiến chương Phật hội và pháp luật của Nhà nước, cảnh giác, đấu tranh và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.
Khi nói về đường hướng hành đạo “vì đạo pháp, vì dân tộc” của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Trị sự cho biết, thực hiện tốt được 4 đạo sự trọng tâm, giữ gìn sự trong sáng của nền đạo là nhờ chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo ngày càng thông thoáng, sự giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Tôn giáo Chính phủ và các ngành liên quan, cùng với nền tảng giáo lý phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, thương người như thể thương thân, vô ngã vị tha, đáp ứng nhu cầu tâm linh và nhu cầu cuộc sống.
Thế nhưng, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ vẫn không ngừng kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC), tổ chức “Liên đoàn quốc tế nhân quyền” (FIDH) và “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” (VCHR) đã soạn thảo và gửi lên “Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc” cái gọi là “bản điều trần” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “thất bại trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ nhân quyền”.
Hùa theo đó là luận điệu của những thế lực thù địch, phản động, nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước, bằng chiêu trò lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, vu cáo Việt Nam là “bóp nghẹt tôn giáo”, “không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định, dù các thế lực thù địch có cố tình, xuyên tạc chống phá cũng không thể chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Sự thực hiển nhiên là với việc Việt Nam chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đoàn nghị sĩ, quan chức chính phủ các nước vào Việt Nam làm việc, đại sứ quán các nước tại Hà Nội; thành lập các đoàn công tác tới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn giáo…, năm 2020, 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không còn lý do để đưa Việt Nam vào CPC và “Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt-SWL”.
Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 2/6/2022 ghi nhận các tiến triển tích cực về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Cụ thể, Hiến pháp Việt Nam khẳng định tất cả các cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chính quyền có tiến triển trong việc hỗ trợ thủ tục đăng ký cho các tổ chức tôn giáo hoạt động.
Người theo các tôn giáo được Nhà nước công nhận không gặp khó khăn, trở ngại trong việc công tác tại chính quyền các cấp, có 1 linh mục Công giáo và 4 tu sỹ Phật giáo được bầu làm đại biểu Quốc hội. Chính quyền các cấp khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động từ thiện, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Vậy mà gần đây, dựa trên thông tin không chính xác về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, Mỹ lại đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.
Trước thông tin này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nêu rõ.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền con người và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Kết quả Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (lần đầu nhiệm kỳ 2014-2016) thêm một lần nữa khẳng định các quốc gia trên thế giới công nhận, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã bảo đảm thực hiện quyền con người cho người dân Việt Nam một cách trách nhiệm, tích cực.
Việt Nam đã và đang thực hiện đúng, có hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc phê chuẩn. Đồng thời, đây chính là bằng chứng thuyết phục nhất, đanh thép bác bỏ luận điệu sai trái của các lực lượng thù địch luôn tìm cách phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua./.