Xã hội

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người: *Bài 3: Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tôn giáo

Việc ban hành nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

(TTXVN) Việc ban hành một nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Quy định xử phạt là cần thiết

- Thưa Thứ trưởng, vì sao phải ban hành một nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; nhất quán tư tưởng “thượng tôn pháp luật” nhằm khắc phục việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đã được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Nghị định xử phạt là sự thể chế chủ trương hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo mọi người trong đó có cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Việc ban hành một nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm các nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây cũng là quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Sau gần 5 năm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành, chúng ta mới chuẩn bị cho việc ban hành một nghị định xử phạt, phải chăng đây là thời điểm “đủ chín” để ban hành Nghị định?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Ngay sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy trình xây dựng dự thảo Nghị định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến khác nhau của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các cấp chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các ý kiến đều đề nghị cân nhắc, thận trọng khi quy định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (để tránh bị lợi dụng xuyên tạc về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, kích động gây bất ổn về an ninh, trật tự an toàn xã hội); về đối tượng áp dụng; về hình thức xử phạt; về thẩm quyền xử phạt, cần có thời gian để sơ kết đánh giá việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) làm cơ sở xem xét việc ban hành Nghị định xử phạt. Trên cơ sở đó, năm 2021 Bộ Nội vụ đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, vấn đề vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra rất phức tạp, thậm chí liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như: hành vi xúc phạm tín ngưỡng của Lương Chính Khang (tên thường gọi là Lương Gia Long, trú tại số nhà 47 ngõ 275 đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sử dụng mạng xã hội Youtube đăng tải nhiều clip có nội dung xúc phạm tín ngưỡng thờ Mẫu và Đức Thánh Trần Hưng Đạo; vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do nhóm ông Lê Tùng Vân thực hiện (tịnh thất Bồng Lai) ... nhưng thiếu quy định, chế tài xử lý. Do vậy, cần phải có quy định về chế tài xử lý theo pháp luật.

Qua sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đa số ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp chính quyền địa phương đã nhìn nhận việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết để đáp ứng công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Từ kết quả đó, Bộ Nội vụ cho rằng việc ban hành Nghị định quy định xử phạt ở thời điểm hiện nay là cần thiết.

Tương thích với luật pháp quốc tế

- Tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết dân tộc. Mặc dù Nghị định mới ở giai đoạn dự thảo, xin ý kiến nhưng một số đối tượng, phần tử ở nước ngoài đã cho rằng, bằng Nghị định này, chính quyền tăng cường kiểm soát hoạt động của các tổ chức tôn giáo, hạn chế tự do tôn giáo. Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về quan điểm này?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Xác định rõ tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm; các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng để xuyên tạc, chống phá nên trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đã thực hiện đầy đủ quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, quần chúng nhân dân, lấy ý kiến của các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bằng văn bản và qua các hội thảo, tọa đàm, các cuộc tiếp xúc. Trên cơ sở các ý kiến này, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt đảm bảo tính thực thi của Nghị định có hiệu lực, hiệu quả cao khi được ban hành.

Bên cạnh đó, khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền phổ quát nhất trong quyền con người được nêu tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là quốc gia thành viên, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã đảm bảo tính tương thích với luật pháp quốc tế. Cùng với việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước còn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật. Điều đó phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền mà trong đó quyền con người được bảo đảm.

Bộ Nội vụ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cá nhân, tổ chức tôn giáo nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động tôn giáo, không vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, giúp cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo có nhận thức đúng đắn về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là biện pháp bảo vệ, nâng cao trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đây cũng là cơ sở để đánh giá trách nhiệm của cá nhân các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong quá trình hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo thực hiện rất tốt công tác từ thiện xã hội. Nguồn kinh phí được quyên góp từ các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng như cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc quyên góp này mang tính chất tự phát và thường không thông báo với cơ quan có thẩm quyền, việc thu, chi cũng ít khi được cập nhật đầy đủ. Dự thảo Nghị định đặt vấn đề xử phạt vi phạm về quy định về quyên góp có khả thi?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Trong giáo lý, giáo luật của các tôn giáo nói chung đều hướng tới phục vụ con người, lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống xã hội. Hoạt động từ thiện xã hội là nhu cầu tự thân, gắn bó đạo - đời của các tôn giáo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thực tế là hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo ở góc độ nhất định đã góp phần chia sẻ gánh nặng với Nhà nước. Vì vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện đã được xác định là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hoạt động từ thiện của tôn giáo hiện vẫn còn hạn chế như việc quyên góp, huy động sự đóng góp của nhân dân quá nhiều, việc thu chi chưa thực sự công khai, minh bạch.

Vấn đề xử phạt vi phạm quy định về quyên góp liên quan đến tổ chức tôn giáo được dự thảo Nghị định đặt ra là phù hợp và khả thi, vì, thứ nhất, vấn đề từ thiện xã hội, hoạt động quyên góp của cá nhân, tổ chức tôn giáo đã được quy định tại Điều 55 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 19 Nghị định 162/2017/NĐ-CP, những hành vi vi phạm tại Điều 55, Điều 19 sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, khi vấn đề xử phạt vi phạm quy định về quyên góp liên quan đến tôn giáo có hiệu lực sẽ thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tổ chức các hoạt động quyên góp, hoạt động từ thiện xã hội. Hạn chế tối đa việc làm tự phát của các tổ chức tôn giáo như thời gian qua, tạo ra sự công khai, minh bạch và uy tín cho tổ chức tôn giáo trong các hoạt động quyên góp nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động từ thiện xã hội.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không phải là “bảo bối” hay là “quyền trượng” để nhằm xử phạt vi phạm hành chính mà là khuyến cáo, cảnh báo, răn đe. Cả chủ thể và khách thể phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, để Nghị định có tính khả thi cần tăng cường công tác vận động tuyên truyền, giải thích để các tổ chức và cá nhân tôn giáo hiểu đúng pháp luật, tự giác chấp hành và đồng thuận trong thực hiện.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

Chu Thanh Vân

Xem thêm