Xã hội

Cán bộ Biên phòng đa năng

Kiên Giang

Gắn bó với người dân vùng biên 18 năm, Trung tá Danh Tâm, 42 tuổi, Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Phú Mỹ (huyện Giang Thành - Kiên Giang), luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ trao học bổng cho con em nghèo Campuchia. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

(TTXVN) Là cán bộ Biên phòng, gắn bó với người dân vùng biên 18 năm, Trung tá Danh Tâm, 42 tuổi, Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Phú Mỹ (huyện Giang Thành - Kiên Giang), luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cấp trên đánh giá là người cán bộ Biên phòng đa năng.

Năng động trong nhiều lĩnh vực

Cùng ra vùng biên giới với Trung tá Danh Tâm một ngày cuối tháng 2, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam mới cảm nhận được hết sự “đa năng” của người cán bộ Biên phòng. Mới tờ mờ sáng, Trung tá Tâm đã giục phóng viên nhanh nhanh đi tặng học bổng cho con em nghèo phía bạn Campuchia. Phải đi sớm để cha mẹ các em còn tranh thủ về đi làm thuê, làm đồng, các em đến lớp không bị trễ.

Chiếc vỏ lãi chạy trên dòng kênh Giang Thành tiến về phía cột mốc 304 thuộc địa bàn ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ vừa cập bến cũng là lúc các em được nhận học bổng và chính quyền địa phương phía bạn thuộc ấp Tà Hưng, xã Prây Cơ Rớs, huyện Kam Pong Trách, tỉnh Kam Pot (Campuchia) có mặt.

Nhanh nhẹn và bằng ngôn ngữ Khmer lưu loát, Trung tá Danh Tâm trao đổi cùng với lực lượng Biên phòng phía bạn và chính quyền địa phương nơi các em học sinh sinh sống. Sau đó, những phần học bổng được nhanh chóng trao tặng cho học sinh.

Học bổng trao cho trẻ em nghèo vùng biên được triển khai từ năm 2016 được trích trích từ lương của cán bộ, chiến sĩ Đồn Phú Mỹ và lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Học bổng bằng tiền, được trao cho trẻ em cả hai bên biên giới Việt Nam và Campuchia, mỗi em một tháng được hỗ trợ 500 nghìn đồng.

Không chỉ trực tiếp cùng với chính quyền địa phương tham gia chọn các em người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn để tặng học bổng, Trung tá Danh Tâm còn đề xuất nhận nuôi một học sinh có hoàn cảnh khó khăn để em tiếp tục được đến trường.

Gác lại tình riêng chăm lo việc chung

Vào lực lượng Biên phòng 18 năm, Trung tá Danh Tâm có 14 năm gắn bó với bà con địa bàn vùng biên giới Giang Thành và thành phố Hà Tiên. Khi còn là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, ngoài công việc chuyên môn, anh còn tham gia tuyên truyền, vận động bà con không tham gia các tệ nạn xã hội, không tiếp tay cho buôn lậu; hướng dẫn họ  cách thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình…

Người dân vùng biên giới vẫn luôn yêu mến anh cùng hành động trực tiếp chở thùng loa trên xe gắn máy chạy vào các phum, sóc để tuyên truyền bằng tiếng Khmer cho bà con về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bản tin của anh được phát ra từ một chiếc loa to, cột chắc chắn trên chiếc xe máy, người ở cách xa cả trăm mét vẫn nghe văng vẳng.

Địa bàn rộng, dân cư sinh sống phân tán, ngày nào, bà con cập nhật được tình hình dịch bệnh qua tiếng loa của anh Danh Tâm. Không chỉ tuyên truyền, trên “đài tiếng nói” lưu động, Trung tá Danh Tâm lúc nào mang theo vài trăm chiếc khẩu trang y tế. Gặp ai không có khẩu trang là anh dừng xe lại, phát cho họ và không quên động viên mọi người chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài việc “đến từng ngõ, gõ từng nhà” trong các phum, ấp, xóm làng, Trung tá Tâm còn phối hợp với địa phương đến từng ngôi chùa để tuyên truyền, vận động các phật tử thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh và chống xuất nhập cảnh trái phép.

Đại đức En Thunh, Trụ trì chùa Khmer Giồng Kè (xã Phú Lợi, huyện Giang Thành) chia sẻ: Từ các nội dung mà Đồn Biên phòng Phú Mỹ và Trung tá Danh Tâm và chính quyền địa phương tuyên truyền, Đại đức đã truyền đạt đến tất cả phật tử, bà con trên địa bàn và sư sãi trong chùa để mọi người biết, cùng thực hiện.

Cũng vì lo cho cái chung, cho bà con vùng biên giới tỉnh Kiên Giang thoát được nghèo khó, đẩy lùi dịch bệnh, con em được học hành, không còn cảnh buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, giữ bình yên vùng biên cương… đến đầu năm 2022, Trung tá Danh Tâm mới chính thức tổ chức đám cưới.

Danh Tâm kể rằng quen biết và yêu nhau đã lâu, vợ cũng ở vùng biên Giang Thành nên luôn thấu hiểu và chia sẻ cùng anh. Bao lần anh và vợ định tổ chức đám cưới nhưng khi được điều động qua địa bàn khác, lúc lại được phân ra đảo, anh trở về nhận nhiệm vụ ở vùng biên, dịch bệnh diễn ra nên phải hoãn cưới.

Trung tá Danh Tâm tâm sự anh cùng các chiến sĩ Biên phòng của Đồn chỉ mong rằng các em học sinh nghèo vùng biên được đến trường thực hiện thành công ước mơ, hoài bão của mình. Sau này, các em có thành tích học tập tốt, có việc làm, thành đạt. Điều đó khiến chúng tôi rất vui vì thấy việc làm của mình là thật sự ý nghĩa.

Trên cương vị công tác của mình, anh Tâm luôn xác định rõ ý thức trách nhiệm, chủ động, tự giác nghiên cứu, học tập, quán triệt nâng cao nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân. Từ đó tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Đồn đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình do cấp trên và đơn vị phát động.

Với những việc làm hiệu quả, thiết thực góp phần giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới cũng như ngày đẩy lùi xuất nhập cảnh tái phép, buôn lậu, giúp cho vùng biên được yên bình… Trung tá Danh Tâm được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… tặng nhiều Bằng khen.

Nói về đồng nghiệp của mình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Trung tá Trần Thanh Mộng nhận xét: Đồng chí Tâm luôn hết mình vì công việc, hết lòng với anh em, luôn là trung tâm đoàn kết, giúp đỡ những đồng đội khó khăn vươn lên. Không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, là người dân tộc Khmer, thành thạo về ngôn ngữ, Trung tá Tâm làm công tác vận động quần chúng trong đồng bào rất hiệu quả. Điểm nổi bật nhất của đồng chí là đã cùng với địa phương thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Qua 6 năm, phía nội biên có 6 cháu và phía ngoại biên giáp với biên giới Giang Thành có 9 cháu được hưởng lợi từ chương trình học bổng.

Hằng tháng, ngoài việc phân công cán bộ, chiến sĩ đến trao tiền hỗ trợ các em, Trung tá Tâm thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với nhà trường động viên kịp thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Việc chăm lo cho học sinh nghèo hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia của Trung tá Tâm còn góp phần thắt chặt quan hệ tốt đẹp giữa Đồn Biên phòng Phú Mỹ với người dân, cũng như với các lực lượng của nước bạn Campuchia./.

Lê Sen

Tin liên quan

Xem thêm