Hiện khoảng 56% cơ quan, doanh nghiệp không đủ nhân lực công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Với nhân sự chuyên trách giám sát an ninh mạng 24/7, cần ít nhất 8 - 10 người để trực 3 ca 4 kíp, trong khi khoảng 46,15% cơ quan và doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công mạng ít nhất một lần.
Việt Nam dự kiến thiếu hụt hơn 700.000 nhân sự chuyên trách về an ninh mạng trong thời gian tới; do dó, cần có chính sách đào tạo nhân sự lĩnh vực này để đáp ứng yêu cầu thực tế. Đây là nội dung được thông tin tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2025) do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức sáng 23/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng cao. Thống kê của Hiệp hội cho thấy, năm 2024 có hơn 659.000 vụ tấn công mạng xảy ra. Khoảng 46,15% cơ quan và doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công mạng ít nhất một lần.
“Việt Nam dự kiến thiếu hụt hơn 700.000 nhân sự chuyên trách về an ninh mạng trong 3 năm tới. Hiện khoảng 56% cơ quan, doanh nghiệp không đủ nhân lực công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Với nhân sự chuyên trách giám sát an ninh mạng 24/7, cần ít nhất 8 - 10 người để trực 3 ca 4 kíp”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.
Việc thiếu nhân sự xuất phát từ thiếu liên kết giữa đào tạo với doanh nghiệp. Doanh nghiệp ít tham gia đào tạo, trường thiếu hợp tác để cập nhật công nghệ mới dẫn đến sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng làm việc thực tế với các hệ thống lớn. Các trường đào tạo chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn; số lượng trường đào tạo chuyên sâu còn ít, đồng thời thiếu chương trình thực hành - kỹ năng xử lý tình huống thực tế.
Ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng phải sớm có phương án giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự an ninh mạng của đất nước, theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Từ kinh nghiệm quốc tế, theo ông Vũ Ngọc Sơn, cần liên kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu - trường học - doanh nghiệp để sinh viên tham gia từ sớm vào các hoạt động của doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu thực tiễn; đồng thời có chính sách học bổng và cam kết tuyển dụng sau tốt nghiệp.
“Tăng cường đào tạo thực chiến trong trường học, bắt buộc thực tập vào tình huống mô phỏng tấn công; mở rộng đào tạo với cấp trung học phổ thông, cao đẳng nghề”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh, đồng thời đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành khung chuẩn nghề nghiệp an ninh mạng và chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi học phí cho sinh viên ngành an ninh mạng.
Vietnam Security Summit 2025 là sự kiện thường niên về an ninh mạng. Với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng và tạo lập niềm tin trong kỷ nguyên mới”, sự kiện bao gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề về các vấn đề: Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; bảo mật đám mây trong thế giới số; bảo đảm an toàn hạ tầng công nghệ thông tin quan trọng.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức đối phó với an ninh quốc gia, trật tự an toàn thông tin, an ninh mạng. Mỗi năm có hàng chục nghìn hệ thống thông tin trọng yếu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tin tặc tấn công. Việc bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu, bảo vệ dữ liệu là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài với hệ thống chính trị và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) cho biết, không gian mạng là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh mạng. Một quốc gia sẽ không an toàn nếu không gian mạng quốc gia đó không an toàn. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa sẽ dẫn đến lo sợ, mất dần niềm tin vào không gian mạng nếu không có những giải pháp kịp thời để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Do đó, cần xây dựng và tạo niềm tin số cho người dân, doanh nghiệp...
Tại sự kiện, Ban Tổ chức trưng bày các giải pháp, sản phẩm về an toàn, an ninh mạng từ hơn 50 nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong nước và quốc tế. Các giải pháp tiêu biểu được giới thiệu thuộc các vấn đề về bảo mật AI, bảo mật đám mây, bảo mật dữ liệu cũng như quản lý danh tính và quyền truy cập.../.
- Từ khóa:
- Việt Nam
- nhân sự
- an ninh mạng
- AI
- tấn công mạng