Môi trường

Vinh danh những giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024

Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” là một trong nhiều hoạt động thực hiện hợp tác công tư thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác.

Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam đã giành Giải pháp đột phá với tổng giá trị tiền thưởng là 200 triệu đồng.
Ảnh: Hoàng Vân - TTXVN 

Ngày 22/10, Lễ trao giải cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” đã diễn ra tại Hà Nội.

Được tổ chức bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), cuộc thi nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa; chú trọng các giải pháp mới, sáng tạo thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm. Đây là một trong nhiều hoạt động thực hiện hợp tác công tư thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa là vấn đề môi trường, là thách thức lớn đối với xã hội hiện đại. Rác thải nhựa đã có mặt khắp mọi nơi, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc từ đô thị đến nông thôn và cả đại dương. Rác thải nhựa cũng tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ mới, cải tiến chuỗi giá trị tuần hoàn và khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động bền vững. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có thể xây dựng hệ thống tuần hoàn khép kín, nơi nhựa trở thành tài nguyên, nguyên liệu thay vì rác thải. Vì vậy cuộc thi không chỉ là cơ hội để các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp giới thiệu các sáng kiến mới, mà còn là nền tảng để kết nối, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa đòi hỏi nỗ lực liên tục và hợp tác bền vững. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn mỗi cá nhân, doanh nghiệp, người dân tiếp tục hành trình này, tận dụng động lực đã có, xây dựng các mối quan hệ đối tác mới và nhân rộng những sáng kiến tiềm năng trên toàn quốc và xa hơn nữa.

Ông Fergus McBean - Bí thư thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng cho rằng rác thải nhựa ảnh hưởng tới “sức khỏe” của đại dương, hệ sinh thái và sự thịnh vượng của các quốc gia. Để giải quyết vấn đề này không chỉ cần những ý tưởng đột phá mà còn cần sự phối hợp hành động giữa chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Do vậy cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa" đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra nền tảng thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.

Được khởi động tháng 4/2024, từ 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã chọn 5 giải pháp triển vọng và 2 ý tưởng đổi mới sáng tạo vào chung kết trao giải. Hội đồng giám khảo đánh giá các giải pháp triển vọng đã giới thiệu sản phẩm cụ thể, ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam. Ở hạng mục này, Hội đồng giám khảo đã trao Giải pháp đột phá cho "Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam"; Giải pháp đổi mới được trao cho "Giải pháp thay thế bao bì màng ghép nhôm" và "Nhựa sinh học Buyo-giáp pháp bền vững chống ô nhiễm nhựa"; Giải pháp nổi bật thuộc về "Ứng dụng công nghệ vào thu gom rác thải nhựa" và "Tấm nhựa Eco-nơi rác thải nhựa tìm thấy cuộc sống mới".

Hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS nhận được giải Sáng kiến được yêu thích nhất
Ảnh: Hoàng Vân - TTXVN 

Hai ý tưởng đổi mới sáng tạo là mô hình, giải pháp mới trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Ở hạng mục này, Sáng kiến được yêu thích nhất thuộc về "Hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS"; Ý tưởng sáng tạo vượt trội  thuộc về "Biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng tự phục hồi".   

Ban tổ chức cuộc thi nhận định, những giải pháp được vinh danh không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng kinh tế tuần hoàn, không chỉ cân nhắc về lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo các yếu tố tác động xã hội và môi trường bền vững. Một trong những khía cạnh truyền cảm hứng nhất của các sáng giải pháp là tiềm năng mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng. Khi các dự án, ý tưởng được kết nối với sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam chia sẻ, với vai trò là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi, Unilever Việt Nam sẽ cùng với Ngân hàng Standard Chartered Ventures, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các đội thắng giải hoàn thiện và thương mại hóa giải pháp, mở rộng quy mô ứng dụng trong thực tế./.

Thanh Trúc

Xem thêm