Đây sẽ là căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học. Chuẩn này là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Anh Dũng cho biết: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" và Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội mang tính lịch sử để tham gia sâu rộng vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Để làm được việc này, ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn.
Giáo sư - Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn cho rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển lĩnh vực bán dẫn. Thực tế, lãnh đạo các tập đoàn và các trường đại học lớn trên thế giới đều nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội khi gia nhập sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Với chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Giáo sư - Tiến sĩ Chử Đức Trình kỳ vọng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng.
Báo cáo tổng hợp quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ chia sẻ, mục tiêu của chuẩn chương trình đào tạo là nền tảng để thiết kế, triển khai các chương trình đào tạo, thí điểm và liên thông; chương trình linh hoạt, hiện đại, cung cấp nền tảng chung và kiến thức chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; tích hợp chuỗi giá trị; kết hợp học thuật và thực tiễn; cơ sở đạt chuẩn có thể tổ chức đào tạo, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.
Chương trình hướng đến trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; phát triển kỹ năng thiết kế; mô phỏng, chế tạo, kiểm tra vi mạch; sinh viên tham gia dự án thực tế, khuyến khích tư duy sáng tạo; đào tạo khả năng làm việc toàn cầu, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Chuẩn chương trình được xây dựng bám sát các quy định của pháp luật hiện hành và tham khảo các yêu cầu về chương trình đào tạo tương ứng của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Đây sẽ là căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Liên quan đến đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, Giáo sư - Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết: Từ nay đến năm 2030, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên, khuyến khích tham gia hội thảo chuyên ngành, dự án hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp. Đặc biệt, sau năm 2030, chương trình cần tiếp tục duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên sâu, chú trọng vào năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đội ngũ giảng viên phải đạt trình độ chuyên môn cao hơn, có khả năng lãnh đạo các dự án nghiên cứu lớn và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế.
Về cơ sở vật chất, các cơ sở giáo dục đại học cần trang bị phòng thí nghiệm đại cương, phòng thực tập điện tử, phòng máy tính, hệ thống quản lý hỗ trợ học tập, quản lý đào tạo và các công cụ hỗ trợ chuyên biệt cho nghiên cứu và thiết kế vi mạch bán dẫn bao gồm phần mềm mô phỏng, thiết bị chế tạo, kiểm tra vi mạch, bảo đảm cung cấp đầy đủ, dễ dàng tiếp cận, được bảo trì, nâng cấp thường xuyên.
Góp ý xây dựng dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cách tiếp cận để xây dựng dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học khá hợp lý khi đã định hướng theo chuyên ngành.
Về tổng thể, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai nhất trí với việc đưa ra chương trình đào tạo hệ chuẩn và chương trình đào tạo hệ tài năng. Tuy nhiên, đối với chương trình đào tạo hệ tài năng, nếu khối lượng các học phần tăng cường, nâng cao về kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong chương trình đào tạo hệ tài năng nhiều hơn tối thiểu 20% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo hệ chuẩn, có thể sẽ vô tình làm cho khối lượng kiến thức đối với người học chương trình tài năng khá nặng.
Theo kinh nghiệm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khi triển khai chương trình đào tạo hệ chuẩn và chương trình đào tạo hệ tài năng, sinh viên có thể liên thông được giữa 2 chương trình, nghĩa là các sinh viên giỏi, đủ năng lực có thể chuyển từ chương trình tài năng sang chương trình chuẩn và ngược lại. Về cơ bản, chương trình tài năng của nhà trường giống chương trình chuẩn nhưng chuẩn đầu ra cao hơn.
Từ đó, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất, chương trình đào tạo hệ tài năng đối với vi mạch bán dẫn không nên tăng cường khối lượng các học phần tối thiểu 20% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo hệ chuẩn vì sẽ rất nặng đối với sinh viên. Nếu đào tạo cử nhân với 150 tín chỉ là quá cao thì chương trình đào tạo hệ tài năng chỉ cần đảm bảo đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh. Ngoài ra, cần có nguồn lực từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên theo học các ngành đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn./.