Xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững: * Bài 3: Hợp tác tạo sức bật thị trường
Sau 9 tháng phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đón khoảng 45 triệu lượt khách nội địa, chiếm khoảng 46% lượng khách nội địa của cả nước.
TTXVN - Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngành đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 49 tỉnh, thành thuộc 6 cụm của cả nước, từ đó tạo đà phát triển đối với phân khúc thị trường khách du lịch nội địa, vượt ra khỏi phạm vi địa phương, mang lại sức bật cho du lịch cả nước và nhiều tỉnh, thành. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch thành phố tiếp tục khai thác lợi thế cạnh tranh của thành phố và mỗi địa phương thông qua đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành theo hướng hợp tác đa phương, tạo sức bật cho thị trường.
* Đẩy mạnh liên kết vùng
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ 3 ngày sau khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 đã được triển khai. Các địa phương đã chủ động từ rất sớm cho việc khôi phục trở lại hoạt động du lịch của thị trường du lịch lớn nhất nước này.
Sau 9 tháng phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đón khoảng 45 triệu lượt khách nội địa, chiếm khoảng 46% lượng khách nội địa của cả nước. Chương trình đã từng bước tạo nên hiệu ứng lan tỏa, mang lại nhiều kết quả tích cực như góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục ngàn người dân địa phương; đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Kết quả này chứng minh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Du lịch từng địa phương, liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long đã đi vào thực tiễn, tạo động lực phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước hậu dịch COVID-19.
Tương tự, nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực gồm công tác quản lý Nhà nước, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch. Đặc biệt, trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch, các tỉnh, thành đã đánh giá và xác định rõ lợi thế cạnh tranh địa phương để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và tổ chức triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tạo hiệu ứng thu hút khách tham quan đến với khu vực.
Hầu hết địa phương đều đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản phẩm du lịch của nhiều tỉnh trong nhóm thành tuor du lịch liên hoàn. Có thể kể đến tour du lịch về Miền đất Tổ - Cội nguồn dân tộc (Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Phú Thọ - Lai Châu - Sapa, Bảo Yên - Quảng Bình, Đồng Văn); Bản hùng ca Tây Bắc (Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sapa - Hà Giang); Hương sắc vùng cao (Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Bắc Hà - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn)... Ngoài ra, các địa phương gắn kết sản phẩm trên tuyến du lịch nối Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai - Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; hai địa phương phối hợp khai thác hiệu quả Khu Du lịch đèo Ô Quý Hồ và Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn.
Theo ông Châu Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 đạt hơn 45 triệu lượt, tăng gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hơn 100.000 lượt khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đã đến tham quan du lịch các tỉnh trong nhóm Tây Bắc mở rộng; tổng doanh thu đạt gần 153.000 tỷ đồng. Những con số này đã khẳng định hiệu quả và sự phát triển bùng nổ du lịch của nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh từng bước đi vào hoạt động có chiều sâu, mang lại hiệu quả, thể hiện qua việc các tỉnh Tây Bắc mở rộng thêm thị trường khách đến từ các tỉnh, thành phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại có bước tăng đột phá. Đại diện một địa phương đề xuất, nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023 cần đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm sử dụng E-marketting (quảng cáo sản phẩm dịch vụ trực tuyến) trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch đến thị trường khách trong nước và quốc tế; thúc đẩy tương tác trên Fanpage “Sắc màu Tây Bắc - Thành phố Hồ Chí Minh”, kết nối khai thác hiệu quả tour du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc mở rộng; thúc đẩy thị trường khách đến và đi giữa các tỉnh, thành hợp tác...
* Tạo bứt phá từ chuỗi liên kết
Liên quan đến liên kết vùng và các tỉnh, thành trong lĩnh vực du lịch, một số chuyên gia nhận định, sau những thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng đã có những bứt phá, chuyển biến tích cực.
Mỗi địa phương đã tìm cho mình một “hướng đi” phù hợp, tạo nên bức tranh tổng thể về ngành Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tăng tốc trong giai đoạn vừa qua. Thành phố Hồ Chí Minh với vị thế là trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, du lịch... của cả nước đã thể hiện sự chủ động trong mọi hoàn cảnh. Với mong muốn phục hồi và phát triển ngành du lịch, Thành phố đã triển khai sáng tạo, đa dạng các giải pháp tăng tốc, mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều địa phương trên cả nước. Kết quả từ những chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã tạo sức bật liên vùng, mang lại tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương hợp tác liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tạo sự chuyển biến cho thị trường du lịch cả nước.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các hãng lữ hành đều có chung đánh giá là lượng khách thành phố đi các tỉnh, thành và ngược lại có xu hướng tăng. Thị trường du lịch nội địa Việt Nam luôn tạo sức hút bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vỹ cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, ẩm thực phong phú.... Đây cũng là những yếu tố thuận lợi để thu hút du khách đến với nhiều địa phương trên cả nước. Điển hình như liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc là sự liên kết làm đa dạng hóa sản phẩm, không trùng lắp về dịch vụ, mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách. Các địa phương được hưởng lợi qua hoạt động liên kết còn góp phần bảo tồn tài nguyên du lịch và giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm.
Là một trong những địa phương liên kết hợp tác phát triển du lịch, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư du lịch tỉnh An Giang chia sẻ, toàn tỉnh có hơn 15 khu, điểm tham quan du lịch. Trong đó, Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam, Núi Cấm, điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư... là những địa điểm được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến cùng nhiều điểm tham quan du lịch khác trải khắp trên địa bàn tỉnh. Địa phương có trên 15 doanh nghiệp lữ hành, hơn 90 cơ sở lưu trú đón khách du lịch trong nước và quốc tế với chất lượng, dịch vụ luôn được du khách đánh giá cao. Cùng với nhận khách đến tham quan tại tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành An Giang còn kết nối, đưa du khách đến tham quan các địa phương khác trên toàn quốc. Tỉnh luôn không ngừng nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều đối tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, khu điểm du lịch trên địa bàn có thể thêm cơ hội hợp tác phát triển với cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc.
Ghi nhận ý kiến từ đại diện ngành Du lịch một số địa phương có liên kết hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, liên kết đã tạo ra một sức bật mới cho từng tỉnh, thành. Qua đó, các tỉnh, thành cùng đồng hành nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương, thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế./.(Còn tiếp)
Bài cuối: Khẳng định thương hiệu du lịch thành phố mang tên Bác (TTXVN 27/1)