Việc tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2018 còn rất hạn chế ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa do họ chưa có thông tin cụ thể về tiêu chuẩn này.
TTXVN - Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), hiện nay, năng lượng điện rất khan hiếm và cần có những cách thức sử dụng tiết kiệm hiệu quả, vừa phục vụ cho hoạt động cho đời sống đồng thời giảm chi phí và đóng góp vào các mục tiêu Chính phủ đưa ra trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
Chính vì vậy, tiêu chuẩn ISO 50001:2018 Hệ thống quản lý năng lượng được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành lần đầu năm 2011 và soát xét năm 2018 được coi là một trong những giải pháp hiệu quả cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Tiêu chuẩn này quy định việc kết hợp quản lý năng lượng vào thực tiễn hàng ngày của tổ chức doanh nghiệp, giúp các tổ chức doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản lý và quá trình cần thiết để cải thiện liên tục kết quả thực hiện năng lượng, bao gồm việc sử dụng năng lượng, tiêu thụ năng lượng và hiệu quả năng lượng.
Ông Trần Quốc Dũng nhấn mạnh, việc thực hiện tiêu chuẩn này hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng có hệ thống. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho tất cả các loại hình và quy mô của các tổ chức mà không phụ thuộc vào điều kiện về vị trí địa lý, văn hóa, xã hội.
Hiện ở Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2018 trong quá trình vận hành sản xuất; điển hình là Tổng Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk). Doanh nghiệp này đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 trong quá trình quản lý và kiểm soát năng lượng. Đồng thời, doanh nghiệp này sử dụng nhiều giải pháp sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất như tạo nhiên liệu sinh khối từ vỏ trấu, mùn cưa, xơ dừa, dăm gỗ…
Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đơn vị đầu tiên của tập đoàn này áp dụng ISO 50001 và được Trung tâm chứng nhận phù hợp chứng nhận đạt tiêu chuẩn, mỗi năm, công ty này tiết kiệm gần 5 tỷ đồng nhờ áp dụng tiêu chuẩn và sử dụng nhiên liệu sinh khối.
Ông Trần Quốc Dũng đánh giá, việc tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2018 còn rất hạn chế ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa do họ chưa có thông tin cụ thể về tiêu chuẩn này.
ISO 50001 là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm xây dựng một hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả. Tiêu chuẩn này thường dựa vào dữ liệu, các sự kiện để đưa ra bộ hệ thống có tổ chức nhằm quản lý năng lượng và đưa ra những yêu cầu cho một quá trình có hệ thống. Việc nắm kỹ các nội dung của tiêu chuẩn và vận dụng một cách chính xác sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm được năng lượng, giảm thiểu chi phí tối đa và đạt được mục tiêu lâu dài.
Cũng giống như các tiêu chuẩn dành cho hệ thống quản lý ISO khác, tiêu chuẩn ISO 50001 được thiết kế dành cho mọi loại hình thuộc các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau. Tiêu chuẩn này không cố định yêu cầu và mục tiêu cụ thể, bất kể tổ chức có quy mô, hoạt động Nhà nước hay tư nhân, vị trí địa lý... đều có thể sử dụng được hệ thống quản lý năng lượng thuộc tiêu chuẩn ISO 50001.
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 -2025 và các năm tiếp theo, trong đó khuyến khích xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; nhấn mạnh tăng cường thúc đẩy các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng tiên tiến, thúc đẩy cải tiến công nghệ trong các ngành tiêu thụ năng lượng.
Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tiết kiệm năng lượng, tiếp cận một cách có hệ thống và hiệu quả đối với sử dụng năng lượng cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận dụng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001:2018 vào các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhằm giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng theo hướng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như: Giấy, thép, bia và nước giải khát…
Trong các Thông tư đã quy định suất tiêu hao năng lượng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Bộ Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức xác định các suất tiêu hao năng lượng, giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống đo lường theo dõi tiêu thụ năng lượng và khuyến nghị áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001.
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2018 trong quá trình vận hành sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chuyển dịch năng lượng bền vững. Đây là xu hướng tất yếu tại Việt Nam nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh song song với thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu kép là tăng trưởng xanh và hiện thực hóa các cam kết với quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.