Vùng đất cát vốn được xem là bất lợi, trồng trọt không hiệu quả nhưng nếu biết tận dụng và học hỏi, vẫn có thể phát triển kinh tế, thậm chí còn bền vững hơn.
Với bản lĩnh, sức trẻ và tư duy dám nghĩ dám làm, không chấp nhận để vùng cát trắng hoang hóa quanh năm nghèo khó, anh Ngô Thế Biên (sinh năm 1985, thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, gây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp nuôi cá lóc, ếch, cá trê và chăn nuôi heo. Hiện nay, mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân vùng bãi ngang.
* Gian nan khởi nghiệp từ vùng đất “khó”
Vùng cát trắng ven biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Người dân chủ yếu trông chờ vào đi biển. Sau sự cố môi trường biển năm 2016, đời sống của người dân nơi đây đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Việc chuyển đổi từ đánh bắt thủy hải sản sang canh tác nông nghiệp tại những vùng đất cát bạc màu không hiệu quả khiến nhiều người nản chí. Trong bối cảnh đó, anh Ngô Thế Biên quyết định chuyển hướng từ trồng trọt sang chăn nuôi, bắt đầu từ số tiền tích cóp được của gia đình với 100 con heo thịt đầu tiên.
Anh Ngô Thế Biên cho hay, thời điểm ấy, để thay đổi tư duy chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên cát không phải ai cũng dám làm. Anh đã nghiên cứu kỹ, tìm hiểu thêm về các mô hình trên mạng để học tập. Thấy mô hình nuôi cá lóc ở miền Tây mang lại hiệu quả cao, anh đã lặn lội vào An Giang học tập kỹ thuật, mua giống về nuôi thử nghiệm.
Anh đã khởi đầu đầy thử thách với mô hình nuôi heo và cá lóc trên nền cát gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với mô hình nuôi cá lóc điều kiện tiên quyết đầu tiên là nguồn nước phải sạch, hệ thống bạt kín; điều kiện thời tiết thất thường cũng có thể khiến nhiều lứa cá bị thất bại. Không nản chí, anh Biên đã kiên trì đầu tư hệ thống hồ lót bạt, khoan thêm 7 giếng lấy nước ngọt, áp dụng kỹ thuật mới để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của vùng biển. “Tôi từng nhiều lần thất bại, thậm chí có lúc muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên càng làm càng vỡ ra nhiều điều. Chỉ cần không bỏ cuộc, cuối cùng cũng tìm được cách. Vùng đất cát vốn được xem là bất lợi, trồng trọt không hiệu quả nhưng nếu biết tận dụng và học hỏi, vẫn có thể phát triển kinh tế, thậm chí còn bền vững hơn. Điều quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm và không ngừng học hỏi ” - anh Biên chia sẻ.
Dù gặp không ít khó khăn trong kỹ thuật nuôi cá lóc, anh Biên vẫn kiên trì, từng bước khắc phục để ổn định sản xuất. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cá lóc lót bạt trên cát của anh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiếp đó vào năm 2024, anh bắt đầu mở rộng thêm trang trại, xây dựng thêm hệ thống hồ nuôi ếch thương phẩm và ếch giống; đồng thời, mở rộng hồ nuôi thêm mô hình cá trê để tận dụng lại thức ăn, nguồn nước của cá lóc và ếch.
* Mô hình kinh tế bền vững trên cát
Đến nay, anh Biên sở hữu một trang trại rộng 0,8ha với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong đó, diện tích nuôi cá lóc là 800m2. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh xuất bán 20 - 25 tấn cá lóc với giá thành bán ra khoảng 53.000 đồng/kg. Song song với đó, anh có 20 hồ nuôi ếch, diện tích 400m2, kết hợp giữa ếch thương phẩm và ếch giống; sản lượng đạt 5 tấn/năm, giá thành khoảng 47 triệu đồng/tấn ếch thương phẩm. Hiện, anh đang nuôi khoảng 200 cặp ếch bố mẹ để chủ động giống, giảm chi phí đầu vào cũng như cung cấp nguồn giống cho các nơi có nhu cầu. Ngoài ra, hồ nuôi cá trê cũng mang lại sản lượng khoảng 1 tấn/năm. Đồng thời, anh duy trì 100 con heo thịt, 1 năm 2 lứa với sản lượng khoảng 25 tấn/năm và 10 con heo nái. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Đây là con số đáng ghi nhận trên vùng đất được xem là “không trồng được gì”.
Anh Biên cho hay, mô hình nuôi thủy sản trên cát đòi hỏi phải học hỏi và trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm liên tục. Riêng đối với cá lóc, loại cá đòi hỏi kỹ thuật cao thì giai đoạn đầu nuôi rất khó khăn. Kinh nghiệm của anh là phải chọn nguồn giống khỏe, tốt, chế độ thức ăn hợp lý, môi trường ổn định, nguồn nước sạch. Bởi loại cá này rất nhạy cảm với nhiệt độ môi trường, nước chậm thay là có thể gây thiệt hại ngay...
Hệ thống hồ nuôi cá, ếch cùng trang trại heo của anh Biên được quy hoạch, xây dựng hợp lý. Hệ thống bạt che, cùng nước thải được đầu tư đồng bộ tận dụng tối đa diện tích cũng như nguồn nước. Để phục vụ nhu cầu nuôi cá và ếch, anh đang mở rộng và xây dựng thêm 6 hồ với khoảng 250m2, 1 hồ nuôi cá lóc với khoảng 300m2. Từng bước đi của anh đều là sự kết hợp giữa học hỏi và thực hành. Nhờ ứng dụng công nghệ và không ngừng cải tiến, mô hình của anh Biên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân khác trong vùng cùng học hỏi và áp dụng; qua đó, góp phần thay đổi nhận thức và cách làm của người dân vùng khó.
Anh Biên đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách cung cấp cho các quán ăn như cháo cá Cà Mèn, hay bán sỉ cho các đầu mối ở nước bạn Lào cũng như liên kết bán cho các điểm dịch vụ hồ câu, giảm áp lực phụ thuộc thương lái.
Theo ông Ngô Thế Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, mô hình kinh tế tổng hợp, nuôi thủy sản lót bạt của anh Biên là một mô hình mới, tiên phong tiêu biểu trong chuyển đổi mô hình sản xuất trên vùng đất khó của xã. Mô hình mang tính tổng hợp, bền vững, phù hợp điều kiện thực tế với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng nhân rộng. Hiện nay, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đã khuyến khích người dân học tập, mở rộng theo mô hình này để phát triển kinh tế. Hiện, xã đang đề xuất hỗ trợ thêm về thủ tục pháp lý, nguồn vốn ưu đãi và kỹ thuật để nhân rộng mô hình./.
- Từ khóa:
- Quảng Trị
- mô hình
- nông nghiệp
- đất cát
- chuyển đổi