Môi trường

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm khai thác cát sỏi lòng sông

Phú Thọ

UBND tỉnh Phú Thọ đã xử lý các trường hợp vi phạm khai thác cát sỏi lòng sông ở một số địa phương gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Các vi phạm hoạt động khai thác cát đã làm sạt lở đất canh tác của người dân. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Tình hình khai thác cát sỏi lòng sông ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. UBND tỉnh Phú Thọ đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này.

UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Nga do vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản khi khai thác cát trên tuyến sông Đà, tại xã Dân Quyền, huyện Tam Nông. Doanh nghiệp này phải nộp phạt 120 triệu đồng vì hành vi khai thác cát lòng sông Đà vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác là 10,5m.

UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Thành Luân do khai thác khoáng sản (cát) trái phép tại xã Tiên Du, huyện Phù Ninh số tiền hơn 328 triệu đồng và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định...

Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Kim Hoa (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì) do đã sử dụng tàu hút khai thác cát tại lòng sông Hồng thuộc khu 12, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông ở một số địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu, các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…); kiến nghị biện pháp quản lý tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu.

Các đơn vị nghiên cứu, có văn bản yêu cầu tổ chức khai thác thực hiện quan trắc, theo dõi, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Đặc biệt, ngành chức năng phối hợp với Sở Xây dựng thông báo, hướng dẫn đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh rà soát hợp đồng với đơn vị thi công dự án. Trên cơ sở đó lập hồ sơ điều chỉnh nâng công suất theo quy định, trường hợp phát hiện xảy ra tình trạng sạt lở khi khai thác phải yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác và triển khai biện pháp khắc phục.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã (có các mỏ cát, sỏi lòng sông) tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác đúng công suất của mỏ cát, sỏi đã được cấp phép khai thác. Việc cấp phép khai thác và hoạt động khai thác phải tuân thủ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng, chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm an toàn giao thông. Việc khai thác cát, sỏi phải đảm bảo không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông./.

 

PV

Xem thêm