Huyện Ninh Hải đã huy động trên 70 người, gồm các lực lượng chức năng, người dân phối hợp tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực ven biển Đầm Nại...
Sau khi Thông tấn xã Việt Nam đăng tin ảnh "Rác thải bủa vây tiếp tục bức tử Đầm Nại" (ngày 13/5) phản ánh tình trạng ô nhiễm rác thải tại khu vực ven biển Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chính quyền địa phương đã có những biện pháp khẩn trương để xử lý tình trạng này.
Theo đó, trong hai ngày 13 và 14/5, huyện Ninh Hải đã huy động trên 70 người, gồm các lực lượng chức năng, người dân phối hợp công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận (đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải) tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực ven biển Đầm Nại, kéo dài từ cầu Ninh Chữ đến xã Tri Hải, đưa về nhà máy xử lý rác của công ty này. Hiện tại, một số khu vực trên đã được cải tạo cảnh quan, sạch sẽ hơn so với trước.
Như Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, Đầm Nại có diện tích khoảng 1.200 ha, là 1 trong 12 đầm phá ven biển lớn của Việt Nam, những ngày qua bị "bủa vây" bởi rác thải. Nguyên nhân do tình trạng một số người dân vô ý thức đổ vỏ hàu, xả rác trực tiếp ra bờ kè, đồng thời gió biển thổi rác bay tứ tung cả trên bờ, dưới nước, trải dài hàng km. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản tạo ra nước thải, chất thải rắn (thùng xốp, ngư cụ hư hỏng, vật dụng, rác sinh hoạt hàng ngày của ngư dân), rác từ ngoài đại dương theo sóng đánh vào bờ, đã tạo thành những đống rác lớn ngâm lâu ngày trong dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối khó chịu, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Lê Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Hải, huyện Ninh Hải cho biết, sau khi báo chí phản ánh và nhận sự chỉ đạo từ UBND huyện, địa phương đã huy động toàn thể lực lượng cán bộ, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, người dân cùng công nhân của Công ty Nam Thành ra quân tổng vệ sinh dọn dẹp, xử lý rác thải ngay trong chiều 13/5. Sau khi xử lý rác, địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường biển. Địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra các tuyến bờ, kè trên địa bàn, khi có rác sẽ xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng tới môi trường. Để giám sát môi trường, địa phương sẽ lắp đặt thêm một số camera tại những khu vực thường xuyên có rác, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đổ rác không đúng nơi quy định.
Đối với việc người dân đổ vỏ hàu ra khu vực Đầm Nại, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Hải cho hay, qua thống kê hiện có gần 40 hộ dân thuộc thôn Tri Thủy 1, cơi nới, làm nhà tạm dọc bờ kè để làm nơi sơ chế hàu. Vỏ hàu sau khi tách nhân, được người dân tái chế để làm giá thể cấy hàu cho vụ nuôi tiếp theo. Với vỏ hàu nhỏ, dăm không sử dụng được, người dân đổ ra khu vực này. Để xử lý tình trạng này, địa phương đã khảo sát khu vực tập kết để đưa phương tiện ra thu gom số vỏ hàu này, giúp bảo vệ môi trường biển; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền bà con ngư dân khi sản xuất phải tuân thủ các vấn đề bảo vệ môi trường.
Ông Trần Minh Thái, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho hay, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm rác thải tại khu vực Đầm Nại, địa phương bố trí thùng rác dọc tuyến bờ kè, tăng cường tần suất thu gom để tránh tình trạng rác ứ đọng. Tại các điểm tập kết rác thải, huyện xây dựng tường để ngăn rác thải bay xuống biển; tổ chức cắm biển tuyên truyền, thông báo mức phạt đối với hành vi vứt, thải bỏ rác thải không đúng nơi quy định; lắp đặt camera giám sát tại các khu vực trọng điểm để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi. Bên cạnh các giải pháp trên, huyện cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung sức để bảo vệ môi trường biển Đầm Nại.
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa cao cùng với sự gia tăng hoạt động sản xuất và du lịch trở thành áp lực đối với môi trường nhiều vùng nông thôn, ven biển ở Ninh Thuận. Để nâng cao chất lượng môi trường sống, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là các trường hợp đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các đơn vị, công ty thu gom, xử lý rác thải tăng cường bố trí các thiết bị chứa rác và các địa điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường. Các địa phương tăng cường phối hợp cùng các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, chiến dịch thu gom rác làm sạch bãi biển, các khu dân cư./.