Môi trường

Yên Bái: Chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết

Yên Bái

Cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đang khẩn trương kiểm tra, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, kết hợp với gió hội tụ trên cao, từ đêm 20/8 đến ngày 22/8, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa rào, có nơi mưa to đến rất to. Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến sáng 22/8, mưa lớn đã làm 6 nhà dân bị sạt lở đất và ngập úng; gần 5 ha diện tích lúa, ngô và hoa màu bị ngập úng hoàn toàn; 3 cống qua đường tại xã Tân Hợp (huyện Văn Yên) bị cuốn trôi. Nhiều đoạn đường trên địa bàn huyện Văn Yên và xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình bị ngập, sạt lở hành lang, sạt lở ta luy nghiêm trọng.

UBND xã Hồng Ca đã rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực có nguy cơ sạt trượt. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và huyện Văn Yên đã khẩn trương kiểm tra, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân; cảnh báo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Mưa lớn trong những ngày qua cũng khiến khu vực Trường Tiểu học và Trung học Cơ cở Hồng Ca 2, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có nguy cơ sạt lở cao. Nhà trường phải lên phương án di dời, cho học sinh học tạm tại địa điểm khác để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh ngay trước thềm năm học mới.

Ông Hà Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết, do ảnh hưởng của mưa kéo dài những ngày gần đây, khu vực taluy phía sau Trường Tiểu học và Trung học Cơ cở Hồng Ca 2 xuất hiện các vết nứt rộng có chiều dài khoảng 200m, khối lượng đất đá ước tính lên đến hàng trăm nghìn mét khối. Nhiều điểm trên taluy bị đứt gãy, hở hàm ếch. Một số vị trí biến dạng đất so với ban đầu do vỡ mạch nước ngầm, nước phun ra từ mặt đất, có nguy cơ sạt lở rất cao.

Theo ông Chương, năm 2021 vị trí này đã bị sạt trượt, đất đá vùi lấp nhiều diện tích bề mặt tầng 1 của nhà trường, dù đã được gia cố taluy, khắc phục các điểm xung yếu, nhưng do địa chất yếu, nhiều mạch nước ngầm hoạt động khiến taluy luôn trong tình trạng có nguy cơ bị sạt lở.

Trong khi đó, Thầy giáo Lê Duy Linh – Quyền Hiệu trường Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hồng Ca 2 chia sẻ, sau khi ghi nhận các vị trị sạt lở mới không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học, nhà trường đã mời phụ huynh học sinh đến họp để thống nhất việc di dời đến học tạm tại điểm Trường Mầm non Hồng Ca, ở thôn Hồng Lâu, cách trường khoảng 2km để đảm bảo an toàn cho các em.

Được sự thống nhất của các cấp, ngành, ngay thứ 7 tuần này (ngày 24/8), nhà trường sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương và các phụ huynh học sinh di chuyển đồ đạc, trang thiết bị dạy học đến địa điểm mới, để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới.

Thầy giáo Linh cho biết thêm, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hồng Ca 2 được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2009. Năm học 2024 – 2025, trường có 460 học sinh, trong đó 170 học sinh khối Trung học Cơ sở và 290 học sinh khối Tiểu học.

UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án thi công xây dựng trường tại địa điểm khác cách xa khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, dự án mới được triển khai xong phần mặt bằng. Dự kiến hết năm 2025 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do vậy, các em học sinh sẽ phải học tạm tại điểm trường mầm non trên khoảng 1 năm, cho đến khi trường mới được hoàn thành.

Trong những ngày vừa qua, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa rào, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 70 - 120 mm đã gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân; thiệt hại một số diện tích hoa màu, vật nuôi, làm hư hỏng nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả với diễn biến bất lợi của thời tiết, trước đó, ngày 19/8/2024, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 46/BCH-PCTT đề nghị các thành viên và UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các đơn vị thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; Các địa phương phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại liên lạc 0216.3852.708) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Trước đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 11 đến ngày 15/8, trên địa bàn huyện Văn Yên cũng xảy ra 11 điểm sạt lở, trong đó có vụ sạt lở lớn gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tuyến đường Tỉnh 164 (An Bình – Lâm Giang), thuộc dốc Khe Măng, thôn Khe Trang, xã An Bình, huyện Văn Yên, đến nay vẫn chưa thông đường. Sáng 19/8, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái đã phải có Công văn số 1419 /SGTVT-QLKCHTGT thông báo phương án phân luồng từ xa do ách tắc giao thông trên tuyến đường này./.

Tuấn Anh

Tin liên quan

Xem thêm