Yên Lạc thành lập Tổ hợp tác chằm tơi với mong muốn tập hợp những người còn tâm huyết với nghề, cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và quảng bá rộng rãi chiếc áo tơi Yên Lạc đến với mọi miền đất nước.
Chiếc áo mộc mạc, được làm từ những tàu lá cọ khô, không chỉ là vật dụng che mưa nắng quen thuộc của người dân thôn Yên Lạc (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) suốt hàng trăm năm, mà còn là biểu tượng của sự cần cù, khéo léo và nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc. Giữa nhịp sống hối hả, nghề chằm áo tơi truyền thống vẫn được người dân lặng lẽ “giữ lửa”, trao truyền qua bao thế hệ, bảo tồn một phần hồn quê hương trong từng sợi lá.
* “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng”…
Trong căn nhà nhỏ nằm nép mình bên con đường làng Yên Lạc, tiếng lách tách đều đặn của những sợi lá cọ khô vẫn vang lên nhịp nhàng. Đó là âm thanh quen thuộc của những người thợ đang miệt mài chằm nên những chiếc áo tơi truyền thống. Nghề này đã gắn bó với người dân Yên Lạc qua bao thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và kinh tế của vùng đất này.
70 tuổi đời nhưng bà Đặng Thị Hiền (ở thôn Yên Lạc) đã có thâm niên hơn 50 năm chằm tơi, đôi tay chai sạn vẫn thoăn thoắt vuốt từng tàu lá cọ. Bà Hiền nhớ lại: “Ngày xưa, áo tơi là thứ không thể thiếu của người dân quê Hà Tĩnh, người làng Yên Lạc tự hào là làng nghề duy nhất chằm tơi và còn giữ được đến tận ngày nay”.
Chiếc áo tơi có hai loại, có tơi che mưa làm bằng lá tro, dày dặn để đối phó với những cơn mưa rào bất chợt, lại có tơi che nắng làm bằng lá tơi, mỏng và thoáng hơn để mặc trong những ngày hè oi ả. Thế nhưng, sự xuất hiện của áo mưa hiện đại đã khiến chiếc tơi che mưa dần vắng bóng và hầu như ít xuất hiện. Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện chiếc áo quạt gió điều hòa làm mát tiện lợi, tuy nhiên với người dân lao động thì chiếc áo tơi nắng truyền thống vẫn được ưa chuộng bởi sự mát mẻ tự nhiên và giá thành rẻ mà nó mang lại.
“Một chiếc áo tơi nắng có giá khoảng 70 nghìn đồng, nhưng có thể dùng bền bỉ đến ba mùa nắng, giữa thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Mùa hè, khoác chiếc áo tơi đi làm đồng sẽ giảm được nắng nóng đi rất nhiều”, bà Hiền chia sẻ. Thời trẻ, mỗi ngày đôi tay bà Hiền có thể chằm 5 đến 6 chiếc áo tơi. Nay tuổi cao, năng suất có giảm nhưng mỗi ngày bà vẫn cần mẫn làm ra 3 đến 4 chiếc, góp phần duy trì nghề truyền thống của gia đình và quê hương.
Để có được những chiếc áo tơi bền đẹp, người thợ phải trải qua một quy trình công phu. Ông Nguyễn Đăng Thường (85 tuổi, thôn Yên Lạc) kể: “Mùa chính của nghề tơi là 6 tháng mùa nắng, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Đây là thời điểm lá cọ đạt độ già thích hợp để làm tơi”. Ông Thường cho biết, công đoạn đầu tiên là phải vào tận rừng sâu để lấy lá cọ già, hái mây tắt, chẻ mây và cây giang non ra phơi để bện triêng - những sợi dây quan trọng để kết nối các lớp lá.
Khi bắt tay vào chằm tơi, người thợ thường tranh thủ buổi sáng để phơi lá cho nở, sau đó cả gia đình cùng nhau tập trung vuốt lá cho phẳng. Trong mỗi nhà, thường chỉ có một người khéo tay nhất đảm nhận công đoạn chằm chính, có khi một ngày làm được tới 6 chiếc áo tơi.
Còn với bà Đặng Thị Chất, 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, những kỷ niệm về chiếc áo tơi gắn liền với một thời gian khó. Bà kể rằng, thời xưa, làm nghề giáo viên cũng vất vả trăm bề, từ khi về làm dâu Yên Lạc, bà đã biết vuốt lá, chằm tơi, các con bà cũng lớn lên cùng với tiếng xào xạc của lá cọ và mùi thơm đặc trưng của nó. Ngoài giờ lên lớp, nhờ chăm chỉ chằm tơi mà vợ chồng bà có thêm nguồn thu nhập để nuôi dạy con cái trưởng thành.
* Giữ hồn quê trong từng sợi lá
Ngày xưa, những chiếc áo tơi Yên Lạc theo gánh của người dân đi khắp các chợ trong vùng, từ chợ Tỉnh (chợ thành phố Hà Tĩnh) đến chợ Gát (huyện Thạch Hà), chợ Huyện Đồng Lộc (Can Lộc). Theo người dân Yên Lạc, trước đây có cả những người buôn tơi đến tận nhà lấy hàng, còn bây giờ, chủ yếu là tự người dân mang ra chợ bán. Giá trị của chiếc áo tơi cũng đã thay đổi theo thời gian. Nếu ngày xưa một chiếc tơi chỉ có giá vài nghìn đồng, thì nay, giá trị đã được nâng lên, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về giá trị văn hóa và sự độc đáo của sản phẩm thủ công.
Theo thống kê, thôn Yên Lạc có khoảng 188 hộ dân và đáng mừng là đến 2/3 trong số đó vẫn còn giữ nghề chằm tơi. Tuy nhiên, số hộ chuyên tâm vào nghề này hiện chỉ còn khoảng 15 đến 20 hộ, trong đó có gia đình ông Nguyễn Đăng Đông, bà Nguyễn Thị An với số lượng sản phẩm làm ra khá lớn, hay bà Nguyễn Thị Bàng (75 tuổi) nổi tiếng với đôi tay chằm tơi khéo léo. Nhờ đó mà vẫn có những thương lái tìm đến tận nơi để thu mua sỉ.
Để giữ gìn nghề truyền thống quê hương, năm 2022, Tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc ra đời với 25 thành viên. Sự ra đời của tổ hợp tác nhằm lưu truyền và bảo tồn nghề chằm tơi truyền thống và tạo ra một cầu nối vững chắc giữa những người làm tơi và thị trường tiêu thụ.
Chị Trần Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Lộc, đồng thời là Chủ tịch Tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc, chia sẻ: Chúng tôi thành lập tổ hợp tác với mong muốn tập hợp những người còn tâm huyết với nghề, cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và quảng bá rộng rãi chiếc áo tơi Yên Lạc đến với mọi miền đất nước.
Nỗ lực này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Vào mùa chính vụ, khi nhu cầu về áo tơi tăng cao, thu nhập bình quân của những hộ gia đình chằm tơi có thể đạt từ 16 đến 17 triệu đồng mỗi tháng, một con số đáng khích lệ, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
Không chỉ dừng lại ở thị trường địa phương, thông qua các hoạt động quảng bá của tổ hợp tác, chiếc áo tơi Yên Lạc ngày càng được nhiều khách hàng ở các tỉnh thành khác biết đến. Đặc biệt, sản phẩm độc đáo này còn thu hút sự quan tâm của những người làm trong ngành du lịch tìm đến đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ du khách, mang đến những trải nghiệm văn hóa đặc sắc và gần gũi với thiên nhiên Hà Tĩnh.
Nghề chằm áo tơi ở Yên Lạc không chỉ là câu chuyện về một sản phẩm thủ công, mà còn là câu chuyện về sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, về sự kiên trì và khéo léo của bao thế hệ. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, việc người dân Yên Lạc vẫn miệt mài giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của những giá trị văn hóa, là một nét đẹp cần được trân trọng và lan tỏa.
Chiếc áo tơi mộc mạc vẫn âm thầm kể câu chuyện về một vùng quê giàu truyền thống và những con người cần cù, yêu nghề./.
- Từ khóa:
- Hà Tĩnh
- Yên Lạc
- “giữ lửa”
- nghề chằm
- áo tơi truyền thống