Chính phủ hành động

10 tháng, các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh

Từ năm 2021 đến hết tháng 10/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh.

Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Theo Văn phòng Chính phủ, 10 tháng qua, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 văn bản quy phạm pháp luật. Lũy kế từ năm 2021 đến hết tháng 10/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh.

Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính/1.086 thủ tục hành chính (đạt 40%) để thực thi 19 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó, 5 bộ, ngành là Bộ: Công an, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành thực thi phương án.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Trong quý III/2023, Tổ Công tác đã tổ chức hai phiên họp để xác định nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính cần tập trung chỉ đạo đôn đốc những tháng cuối năm theo nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ; đánh giá tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, đến 31/10/2023, đã có 21 bộ, ngành và 61 địa phương công bố 4.028 thủ tục hành chính nội b; trong đó bộ, ngành có 1.342 thủ tục hành chính, các địa phương có 2.686 thủ tục hành chính. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường, hai tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc chưa công bố thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022 - 2025. Có 5 địa phương đã phê duyệt phương án đối với 117 thủ tục hành chính nội bộ, trong đó, cắt giảm, đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính.

Về phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, từ tháng 9/2022 đến nay, có 13/21 bộ, ngành đã ban hành và tham mưu ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp 136/699 thủ tục hành chính; chủ động phân cấp thêm 3 thủ tục hành chính ngoài Quyết định số 1015/QĐ-TTg (phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ). Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành 100%; ba Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội thực thi phương án phân cấp đạt trên 50%.

Cũng theo Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022). Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022).

Tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, diễn ra chiều 14/11, các đại biểu đánh giá, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp những vướng mắc khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành sớm khắc phục các tồn tại để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước. Khẩn trương triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp theo; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính để báo cáo Quốc hội./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm