5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự: Có những điều luật "Thực tiễn không như quy định"
Bộ luật Tố tụng hình sự có những quy định tiến bộ vượt bậc ( điểm a, khoản 1, Điều 73) quy định luật sư được quyền gặp, hỏi người bị buộc tội, nhưng trên thực tiễn triển khai còn hạn chế.
TTXVN - Ngày 25/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các luật sư và đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng đến từ Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, đa số các luật sư đều trăn trở về việc Bộ luật Tố tụng hình sự có những quy định tiến bộ vượt bậc, chẳng hạn tại điểm a, khoản 1, Điều 73 quy định luật sư được quyền gặp, hỏi người bị buộc tội, nhưng trên thực tiễn triển khai còn hạn chế.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) nêu thực tiễn thi hành quyền gặp, hỏi người bị buộc tội của luật sư trong giai đoạn điều tra gặp rất nhiều khó khăn, gần như không thể thực hiện được. Trong nhiều trường hợp, cơ sở giam giữ lấy lý do cơ quan điều tra không đồng ý hoặc điều tra viên bận không tham dự để từ chối yêu cầu của luật sư.
Theo luật sư Công, trong một số ít trường hợp, sau khi trải qua các thủ tục, luật sư cũng được tạo điều kiện để gặp, tiếp xúc với người bị buộc tội nhưng phải chịu sự giám sát gắt gao của điều tra viên, cán bộ điều tra hoặc giám thị trại giam. Điều này vô hình trung khiến cho việc gặp, hỏi của luật sư chỉ mang tính hình thức, thậm chí đi ngược lại với quan điểm tiến bộ của nhà làm luật khi đặt ra quy định này.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng, quyền của người bào chữa “gặp, hỏi người bị buộc tội” đang bị “khống chế” khi phải được sự đồng ý của điều tra viên. Theo luật sư Hùng, khi luật đã dùng cụm từ quyền của người bào chữa thì việc gặp, hỏi người bị buộc tội là quyền đương nhiên và chủ động của luật sư.
Các luật sư kiến nghị cần quy định rõ về trình tự, thủ tục và các vấn đề liên quan khác về cơ chế gặp, hỏi bị can của người bào chữa; hoặc nếu có giám sát cuộc gặp đó thì trường hợp cần thiết nào phải giám sát để tránh tùy nghi áp dụng như hiện nay. Đồng thời, nên bỏ cụm từ “…nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì người bào chữa được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can…”, tại điểm b, khoản 1, Điều 73, để khắc phục tình trạng luật sư muốn hỏi thì phải được điều tra viên đồng ý.
Cũng tại Hội thảo, các luật sư nêu vấn đề dù luật quy định người bào chữa có quyền “đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra”, nhưng thực tế, đa số luật sư chỉ được tiếp cận hồ sơ vụ án khi hồ sơ qua tòa án. Từ đó, nhiều luật sư cho rằng, nếu quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ mang tính hình thức, không áp dụng được thì mạnh dạn bỏ khỏi bộ luật.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, thực tiễn sau 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021) đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân có thể có quy định pháp luật không còn phù hợp hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện, do nhận thức pháp luật hoặc đối trọng quyền lợi, dẫn đến cách hiểu pháp luật khác nhau. Vì vậy, cần có ý kiến góp ý của luật sư để đưa ra kiến nghị, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo ông Phan Trung Hoài, hiện nay, môi trường pháp lý và quy định pháp luật là tương đối đầy đủ, tiến bộ, nhưng thực tế áp dụng có độ lùi, độ chậm nhất định so với chủ trương cải cách tư pháp được Đảng và Nhà nước xác định. Thời gian tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có kế hoạch gặp lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nhằm kiến nghị và tháo gỡ một cách cơ bản những vướng mắc, khó khăn trong quá trình luật sư tham gia tố tụng./.